Hãng ngàn người đã tập trung bên ngoài khu vực tòa Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô , Trung Quốc trong ngày hôm nay (25/7), khi các nhân viên trong tòa nhà đóng gói đồ đạc để chuẩn bị rời đi theo yêu cầu của Bắc Kinh, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) đưa tin.
Trước sự hiện diện của lực lượng cảnh sát và nhân viên an ninh dày đặc tại địa điểm này, 3 chiếc xe tải và một xe buýt đã lần lượt tiến vào và rời khỏi khu vực tòa nhà, trong khi một số nhân viên Lãnh sự quán Mỹ đi bộ, trên tay là những thùng tài liệu.
Một số người khác rời tòa Lãnh sự quán Mỹ trên những chiếc xe máy chở đầy đồ, còn những người lao công đem ra những túi rác lớn - có lẽ bên trong đó là những vật dụng không nhạy cảm.
Thành Đô - thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên ở miền Tây Nam Trung Quốc - trước đây không được coi là một điểm nóng của căng thẳng chính trị quốc tế, nhưng giờ đây, sau khi Bắc Kinh ra lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô, thành phố này đã trở thành tâm điểm chú ý và là nơi nhiều người dân Trung Quốc thể hiện tinh thần dân tộc, theo SMCP.
Quyết định nói trên đã được Bắc Kinh đưa ra nhằm trả đũa Washington vì Mỹ đã có động thái tương tự đối với Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston vào ngày 21/7.
SCMP cho biết, kể từ chiều ngày 24/7, lực lượng an ninh đã được bố trí dày đặc ở khu vực xung quanh tòa Lãnh sự quán Mỹ, với hàng chục cảnh sát mặc đồng phục và thường phục đi tuần tra. Giao thông trên các tuyến phố xung quanh cũng bị chặn, và chỉ những người đi bộ mới có thể tiếp cận khu vực này.
Wang Dayou, một người đàn ông ngoài 40 tuổi trong đám đông những người theo dõi cho biết anh và con trai mình đã phải đi tàu điện ngầm mất nửa giờ đồng hồ để đến chứng kiến tòa Lãnh sự quán Mỹ đóng cửa.
Anh Wang nói với con trai: "Đây là đòn trả đũa hợp lý của chính phủ Trung Quốc, vì Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc đóng cửa Lãnh sự quán ở Houston".
Khi được hỏi về lý do anh nghĩ rằng việc cho con trai chứng kiến sự kiện này là quan trọng, Wang nói "Tôi muốn con mình hiểu được nguyên nhân và tác động của sự việc. Con tôi cần học hỏi điều đó".
"Chúng ta đang đóng cửa các tòa lãnh sự. Nhưng tiếp theo là gì? Rất có thể là một cuộc sơ tán công dân và chiến tranh nóng. Nhưng tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ không đi xa đến mức đó", Wang nói.
Ảnh: Simon Song
Mặc dù trời có mưa nhẹ, nhưng phần lớn đám đông vẫn giữ trật tự. Cá biệt có trường hợp một người đàn ông bị cảnh sát khiển trách vào tối ngày 24/7 vừa qua vì đã đốt pháo.
Hầu hết mọi người đều hài lòng khi được tự chụp ảnh và quay video bằng điện thoại của mình.
Cảnh sát không can ngăn họ làm điều đó, tuy nhiên khi một người phụ nữ trẻ cao hứng hát một bài ca ái quốc, cảnh sát đã yêu cầu cô rời đi vì lo ngại hành động của cô sẽ thu hút sự chú ý của nhiều người khác trên đường.
Deng Siyi, một học sinh 16 tuổi có mặt tại khu vực gần tòa Lãnh sự quán Mỹ, cho biết: "Nếu Trung Quốc yêu cầu Mỹ làm điều đó, thì hẳn là [Mỹ] đã làm điều gì sai trái".
Chỉ vài giờ sau khi Bắc Kinh đưa ra yêu cầu nói trên, đài truyền hình trung ương CCTV đã mở phát trực tiếp từ bên ngoài tòa lãnh sự. Tính đến tối ngày 24/7, video phát trực tiếp của CCTV đã thu hút 45 triệu lượt xem, 4 triệu lượt thích và 451.000 bình luận.
Nỗi lo về mối quan hệ ngày càng xấu đi của Mỹ-Trung Quốc
Mặc dù vậy, một số người vẫn bày tỏ sự lo lắng về tình trạng quan hệ Mỹ-Trung ngày càng xấu đi.
Một người phụ nữ 62 họ Cheng, cho biết việc Bắc Kinh trả đũa cho Tổng lãnh sự Houston là chuyện cần làm, nhưng mối quan hệ xấu đi giữa hai nước Mỹ-Trung không phải là điều tốt đẹp cho người dân cả hai nước.
"Tôi thấy rất an tâm khi sống gần tòa Lãnh sự quán, và ở đây cũng rất thuận tiện. Nhưng nếu tòa nhà này bị đóng cửa, thì tôi e là giá bán nhà tôi cũng sẽ giảm xuống", bà Cheng nói.
Người phụ nữ này cũng bày tỏ sự lo lắng về những người họ hàng đang sinh sống ở Mỹ từ thập niên 1980 của mình.
"Nếu quan hệ giữa hai nước xấu đi, những người Mỹ gốc Hoa sẽ ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức hơn", bà nói.
Theo lời bà Cheng, một trong những lần gần đây nhất bà chứng kiến đám đông tụ tập ngoài tòa Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô là vào năm 1999, sau vụ Mỹ đánh bom tòa nhà Đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade. Vụ việc này đã dấy lên nhiều cuộc biểu tình rầm rộ bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh và các lãnh sự quán của Mỹ tại Trung Quốc.
Một lần khác là vào năm 2012, bà Cheng cho biết, khi Cựu Giám đốc Sở Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân trốn chạy vào lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô sau khi vụ bê bối với nguyên Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai bị bại lộ.