Xác định khâu đột phá, quyết tâm chuyển mình
Liên tục những năm gần đây, Thanh Hóa vươn lên trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư. Thanh Hóa xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đứng trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc.
Khát vọng lớn, quyết tâm cao nên dù trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực, sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, gây thiệt hại lớn về người và tinh thần, vật chất, địa phương này vẫn vươn lên đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, tốc độ tăng trưởng năm 2021 đạt 8,85% đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố tăng trưởng cao cả nước; thu sách nhà nước năm 2021 đạt 39.630 tỷ đồng, vượt 49,1% so với dự toán và đứng thứ 8 cả nước.
Đáng chú ý, 9 tháng năm 2022 kinh tế tăng trưởng 8,83%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Năm 2022 thu ngân sách ước đạt 48.820 tỷ đồng, vượt 65% dự toán, tăng 20% so với cùng kỳ, và đạt cao nhất từ trước đến nay. Các chỉ tiêu về giải ngân vốn đầu tư công, thành lập mới doanh nghiệp, năm qua luôn nằm tốp đầu cả nước.
“Với những kết quả đạt được nêu trên, cùng với sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã và đang quyết tâm, phấn đấu hoàn thành vượt mức tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đã đề ra. Do đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hoá đứng trong nhóm tỉnh dẫn đầu cả nước, một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tạo thành tứ giác phát triển phía Bắc của Tổ quốc, hoàn toàn khả thi và đây là một mục tiêu Thanh Hóa đang đặt ra, quyết tâm phấn đấu sẽ hoàn thành được” – ông Nguyễn Văn Thi bày tỏ.
Tuy vậy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, để sớm thực hiện hóa mục tiêu, nhiệm vụ đề ra đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn.
Địa phương này tập trung đấu mối, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục về quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 và quy hoạch đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, đến năm 2040, trình Chính phủ xem xét, phê duyệt, làm cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện phát triển các ngành, lĩnh vực, các vùng kinh tế và thu hút đầu tư vào tỉnh. Đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới quy hoạch theo hướng đồng bộ, đảm bảo mối liên kết trong nội bộ vùng, giữa các vùng trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Bên cạnh đó là tiếp tục tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách, đã được ban hành để sớm cụ thể hóa, đưa Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 37 của Quốc hội và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 vào cuộc sống, sớm phát huy hiệu quả các chính sách trong thời gian nhanh nhất, tạo xung lực mới cho sự phát triển của tỉnh.
Thanh Hóa cũng tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với mô hình tăng trưởng một cách thực chất, hiệu quả hơn; tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng kết hợp hài hòa cả chiều sâu và chiều rộng, lấy phát triển theo chiều sâu làm định hướng cơ bản. Lấy các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành sử dụng công nghệ cao làm đột phá trong phát triển.
Cùng với đó tập trung thu hút, hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ để sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, tạo thương hiệu lớn trên thị trường sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Trong lĩnh vực dịch vụ, tỉnh tập trung, đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ trọng tâm là các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, ứng dụng hiệu quả công nghệ số là chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng, theo ông Nguyễn Văn Thi là nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thực sự thông thoáng hấp dẫn. Trọng tâm là tập trung rà soát các thủ tục đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính và các thành phần hồ sơ; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, tiếp cận các nguồn lực đất đai, tài chính, nhân lực một cách nhanh nhất, tốt nhất.
Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tạo đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại; tập trung giải quyết các nút thắt trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư có sử dụng đất. “Đặc biệt, lĩnh vực đất đai thì khi di dời chúng tôi phải thực hiện tái định cư tốt nhất có thể” – ông Thi nhấn mạnh.
Kỳ vọng lớn, trách nhiệm cao
Để Thanh Hóa trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước theo mục tiêu đến năm 2025 thì có rất nhiều việc phải làm, song yếu tố con người là quan trọng nhất, quyết định thành bại trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ.
Chính vì vậy, ngày 12/3/2012, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 04 về tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020.
Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa XIX đã định hướng các mục tiêu chủ yếu và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Ảnh: Cồng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, tạo chuyển biến rõ nét trong sắp xếp, tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ là một trong sáu chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ, nhằm tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ trước hết là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, từ tỉnh đến cơ sở đủ phẩm chất, năng lực, có ý chí khát vọng vươn lên vì sự phát triển của tỉnh. Đồng thời kiên quyết thay thế những cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi đảng.
Cùng với nhân tố con người thì cơ chế chính sách có ý nghĩa rất quan trọng. Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58 về xây dựng phát triển Thanh Hóa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 37 năm 2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù, phát triển Thanh Hoá. Đây là cơ sở chính trị và pháp lý rất quan trọng để Thanh Hóa hiện thực hóa mục tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Văn Thi cũng khẳng định, tỉnh Thanh Hóa luôn nhận thức rõ ràng Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 37 của Quốc hội vừa là kỳ vọng, tầm nhìn quan trọng của Trung ương đối với sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm, vai trò của địa phương trong việc khơi dậy, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mình để lan tỏa đóng góp lớn hơn cho sự phát triển của vùng và cho sự nghiệp phát triển của đất nước.
“Các cơ chế, chính sách đặc thù là khung chính sách mang tính định hướng, dẫn dắt, đặt nền tảng, tạo dư địa, tuyệt đối không phải là các chính sách mang tính xin – cho. Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu tỉnh phải nỗ lực hơn, trách nhiệm nhiều hơn mới có thể phát huy được hiệu quả và dư địa của chính sách” - ông Nguyễn Văn Thi nhấn mạnh và dẫn chứng có cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút hiệu quả các nguồn vốn đầu tư thì mới phát huy được hiệu quả và ý nghĩa của chính sách, phải thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng hiệu quả thì mới phát huy được dư địa của chính sách.