Hầu hết các chỉ tiêu của Thanh Hóa đều đạt và vượt kế hoạch. Đáng chú ý tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt hơn 12,5% đã đưa Thanh Hóa vươn lên đứng thứ 7 toàn quốc. Đây là nhờ sự thay đổi linh hoạt về cơ chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Mặc dù năm 2022 đầy thách thức nhưng toàn tỉnh đã thu hút được trên 2.100 dự án đầu tư trực tiếp trong nước và 139 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng đầu tư 310.000 tỷ đồng và trên 14,3 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước về thu hút đầu tư FDI . Trên 7 triệu lượt khách đã đến với các điểm du lịch của Thanh Hóa.
Kinh tế phát triển khiến thu ngân sách Nhà nước của Thanh Hóa đạt cao nhất từ trước đến nay và đạt gần 49.000 tỷ đồng, vượt 65% dự toán và tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu thuế xuất nhập khẩu trên 18.600 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ và thu nội địa vượt 62% dự toán.
Thanh Hoá tiếp tục lọt vào nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước trong năm nay.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 đã đề ra chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng nhanh, bền vững trên cơ sở lấy công nghiệp nặng và nông nghiệp làm nền tảng, công nghiệp năng lượng, dịch vụ và logistic là khâu đột phá và du lịch là mũi nhọn.
Ông Lại Thế Nguyên - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Chúng tôi cũng sẽ ban hành các cơ chế chính sách để ưu đãi thu hút các nhà đầu tư; giải phóng mặt bằng sạch trong các khu công nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư vào Thanh Hóa".
Với vị trí chiến lược về kinh tế và quốc phòng - an ninh, tài nguyên phong phú, đất đai rộng lớn, nguồn nhân lực dồi dào, Thanh Hóa đang phát triển mạnh mẽ để trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo và logistics.