Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản, Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa vừa có thông báo đấu giá tài sản quyền sử dụng đất đợt 1, dự án Khu dịch vụ thương mại, văn phòng và dân cư thuộc khu đô thị Đông Hương, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa (mặt bằng quy hoạch số 3241/QĐ-UBND ngày 7-6-2013 của UBND TP Thanh Hóa; gọi tắt là MB 3241). Đây là mặt bằng " đất vàng " nằm giữa trung tâm TP Thanh Hóa đã được phê duyệt đấu giá từ năm 2017 song qua 2 lần đấu giá đều thất bại do các đơn vị được giao vi phạm Luật Đấu giá tài sản.
Mặt bằng khu “đất vàng” chuẩn bị đấu giá lần thứ ba
Theo thông báo hôm 6-9, MB 3241 sẽ được đấu giá có tổng diện tích gần 58.000 m2 gồm 375 lô đất liền kề và biệt thự. Giá khởi điểm 666,4 tỉ đồng. Phương án đấu giá trọn gói toàn bộ 375 lô đất theo tổng giá khởi điểm theo hình thức bỏ phiếu kín từng vòng, phương thức trả giá lên. Các tổ chức, cá nhân bảo đảm đủ điều kiện tham gia đấu giá mua hồ sơ tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa từ ngày 6 đến 23-9-2019, nộp tiền đặt trước 10% tổng giá khởi điểm (tương đương hơn 66 tỉ đồng) từ ngày 23 đến 25-9. Như vậy, thương vụ "đất vàng" nhiều tai tiếng này đã tăng tiền đấu giá khởi điểm sau 3 lần được phê duyệt. Lần thứ nhất là 433 tỉ đồng, lần thứ hai là 521 tỉ đồng và lần này là 666,4 tỉ đồng.
Trước đó, trong năm 2018, UBND TP Thanh Hóa đã 2 lần tổ chức đấu giá cấp quyền sử dụng đất MB 3241, thế nhưng cả 2 lần đều bị "tuýt còi". Ngay trong lần tổ chức bán đấu giá đầu tiên (ngày 22-1-2018) đã có nhiều dấu hiệu bất thường khi chỉ có 2 đơn vị tham gia đấu giá. Đơn vị trúng đấu giá sau đó được xác định là Công ty Cổ phần Nakama Việt Nam (có địa chỉ tại Thanh Hóa), với số tiền hơn 437 tỉ đồng (chỉ cao hơn giá sàn gần 4 tỉ đồng). Kết quả đấu giá trên khiến nhiều người hoài nghi có sự bắt tay "thông thầu" gây thất thoát ngân sách nhà nước. Bởi tại khu vực này giá đất thời điểm đó dao động từ 20-25 triệu đồng/m2, thậm chí mặt đường lớn có giá khoảng 40-50 triệu đồng/m2.
Sau đó, Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa vào cuộc thẩm định đã phát hiện Công ty Bán đấu giá tài sản Năm Châu có nhiều vi phạm trong quá trình tổ chức đấu giá như không cập nhật thông tin đấu giá tài sản trên Cổng thông tin điện tử TP Thanh Hóa và Trang thông tin điện tử đấu giá chuyên ngành kịp thời, không niêm yết thông báo điều chỉnh phương án đấu giá công khai... Ngày 14-3-2018, UBND TP Thanh Hóa đã ra quyết định hủy kết quả đấu giá này.
Đến tháng 7-2018, mặt bằng này đã được tái khởi động và tăng giá khởi điểm từ 7,5 triệu đồng/m2 lên 9 triệu đồng/m2. Tuy nhiên trong quá trình bán hồ sơ, Công ty Đấu giá Hợp danh Hoàng Nguyên (TP Thanh Hóa) liên tục thay đổi thời gian đấu giá và có 15/18 hồ sơ đấu giá hợp lệ bất ngờ bị loại ngay trước thời điểm đấu giá khoảng vài giờ (chỉ còn 3 hồ sơ, trong đó có Công ty Cổ phần Nakama Việt Nam đã trúng đấu giá trước đó). Phiên đấu giá ngày 9-10-2018 vì thế cũng không diễn ra như kế hoạch do các cá nhân, tổ chức bị loại kéo tới UBND Thanh Hóa để yêu cầu lãnh đạo TP có câu trả lời thỏa đáng.
Trước những lùm xùm quanh việc đấu giá "đất vàng" MB 3241, Sở Tư pháp Thanh Hóa lại vào cuộc và phát hiện đơn vị được giao đấu giá vi phạm Luật Đấu giá tài sản và yêu cầu Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa hủy hợp đồng dịch vụ đấu giá với Công ty Hoàng Nguyên.
Sau một thời gian "im hơi lặng tiếng", đến ngày 12-4-2019, bà Lê Thị Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, lại ký quyết định phê duyệt phương án đấu giá lần 3 cho khu "đất vàng" này và đơn vị được "chọn mặt gửi vàng" tổ chức đấu giá là Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa). Giá khởi điểm cũng được tăng lên 11 triệu đồng/m2. Theo quyết định này, thời gian đấu giá sẽ được thực hiện xong trước ngày 30-8. Thế nhưng, trong thông báo đấu giá của Trung tâm Dịch vụ đấu giá, thời gian đấu giá lại được thay đổi đến ngày 26-9.
Dư luận tại Thanh Hóa đang rất quan tâm tới phiên đấu giá mặt bằng "đất vàng" giữa trung tâm TP Thanh Hóa tới đây sẽ diễn ra như thế nào và công khai, minh bạch đến đâu.