4.500 cây được trồng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên.
Hoạt động trồng cây nhằm phục hồi 7ha rừng nghèo kiệt và góp phần tạo ra nơi sinh sống an toàn cho nhiều loài động vật quý hiếm như: Bò tót, Voọc xám, Vượn đen má trắng, Mang Roosevelt... Từ năm 2013, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) đã chọn ngày 21/3 hằng năm là “Ngày Thế giới trồng cây” để kêu gọi các địa phương, quốc gia cùng nỗ lực trồng cây và nâng cao nhận thức bảo tồn rừng, phát triển bền vững trong tương lai.
Khu vực trồng rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên trước đây vốn là đất ở và nương rẫy của người dân địa phương. Khi Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên được thành lập, người dân di cư ra ngoài, để lại những vùng đất cần phục hồi thành rừng. 15 loài cây sẽ được trồng làm giàu 7ha rừng là các loài cây gỗ và cây đa mục đích gồm: Lim xanh, Lát hoa, Long não, Pơ mu, Quế, Tai chua, Sao đen, Re hương, Giáng hương, Gáo vàng, Giổi, Xà cừ, Sấu, Bằng lăng và Ban.
Đây là hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới trồng cây 21/3.
Mỗi ha rừng trồng hoặc tái trồng, có thể giúp hấp thụ được khoảng 95-123,2 tấn CO2/năm, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu. Ngoài ra, hoạt động trồng rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên còn giúp cải thiện chức năng sinh thái của rừng, tăng cường giá trị nghỉ dưỡng, giáo dục, khoa học cho khu rừng. Đây cũng sẽ là nơi sinh sống an toàn cho nhiều loài quý hiếm.
Điểm đặc biệt của chương trình trồng rừng này là khu rừng sẽ được theo dõi, giám sát và chăm sóc trong vòng 4 năm để đảm bảo rừng phát triển ổn định, với tỷ lệ sống tối thiểu là 70-80%. Gaia phối hợp cùng Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thực hiện hoạt động nghiên cứu, giám sát khu rừng và công khai báo cáo hàng năm.