Theo tôi, thanh khoản hiện tại của các ngân hàng đang tốt. Có được kết quả này bên cạnh sự chủ động của các TCTD thì NHNN đã sử dụng khá linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết lượng tiền cung ứng với mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định thanh khoản của hệ thống TCTD.
Cụ thể, thời gian qua, NHNN thực hiện bơm, hút tiền qua kênh OMO khá nhịp nhàng, trước Tết thì tăng cường bơm tiền ra, sau Tết hút mạnh tiền về… Điển hình trong tuần 11/2-15/2, NHNN đã hút ròng 51.558 tỷ đồng, khối lượng OMO lưu hành giảm liên tục từ mức hơn 150.000 tỷ đồng về 101.000 tỷ đồng…
Theo ông, diễn biến lãi suất sẽ ra sao trong năm 2019?
Gần đây bên cạnh một số ngân hàng giảm lãi suất huy động nhưng cũng có một số ngân hàng tăng lãi suất khá cao. Nhưng để được hưởng lãi suất cao như vậy kèm theo khá nhiều điều kiện như kỳ hạn, số tiền gửi… Hiện tượng này diễn ra cũng theo quy luật đầu năm các ngân hàng tăng cường huy động vốn để chuẩn bị cho kế hoạch tăng trưởng tín dụng của cả năm tùy vào chiến lược kinh doanh của mỗi ngân hàng. Lý do quan trọng nữa mà các ngân hàng tăng cường huy động vốn để đáp ứng các quy định ngày càng chặt chẽ như quy định sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn...
Dù sẽ có nhiều yếu tố tác động bất lợi, nhưng đánh giá tổng thể cả năm 2019, tôi cho rằng, áp lực lên lãi suất cũng như tỷ giá không còn nhiều như năm 2018. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong việc giữ giá trị đồng VND, nhưng cũng khó có thể kỳ vọng quá nhiều vào việc ngân hàng giảm mạnh lãi suất. Nhìn về triển vọng kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng chững lại, cuộc chiến tranh Mỹ - Trung cũng chưa ngã ngũ, giá cả hàng hóa biến động… ở trong nước, kinh tế tăng trưởng tích cực, nhu cầu vốn mở rộng sản xuất của các DN vẫn rất lớn.
Như tôi nói ở trên, năm nay để đáp ứng đủ vốn phục vụ cho khách hàng, các ngân hàng phải tăng cường huy động vốn cũng như cơ cấu lại nguồn vốn nhằm bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động như tỷ lệ vốn vay ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống mức 40% và phải chuẩn bị tăng vốn đáp ứng theo chuẩn Basel II.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất phụ thuộc vào biến số lạm phát và tỷ giá… Do vậy, theo quan điểm của tôi, nên duy trì mặt bằng lãi suất như hiện nay. Ngân hàng nào có điều kiện thì giảm lãi suất, hỗ trợ khách hàng chứ không nên kỳ vọng vào đợt giảm lãi suất trên diện rộng.
Mới đây NHNN đã ban hành Thông tư 52 về việc quy định xếp hạng các TCTD. Một trong những quy định được chú ý là không công bố kết quả xếp hạng của TCTD. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
NHNN cũng cho biết, kết quả xếp hạng TCTD được sử dụng nhằm cảnh báo sớm, ngăn ngừa nguy cơ đổ vỡ của từng TCTD cũng như rủi ro đối với toàn hệ thống, để từ đó có chính sách quản lý kịp thời nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.
Tôi đồng tình với quan điểm của NHNN bởi thông tin xếp hạng các ngân hàng là vô cùng nhạy cảm. Với những ngân hàng được xếp hạng yếu kém, nếu công bố không ai dám khẳng định không diễn ra tình trạng người dân sẽ ồ ạt rút tiền khỏi những ngân hàng đó, từ đó gây ra mất an toàn cho hệ thống. Bởi vậy, kết quả xếp hạng chỉ để các cơ quan quản lý theo dõi, giám sát hoạt động của các ngân hàng.
Hiện NHTW, cơ quan giám sát tài chính tại nhiều quốc gia cũng không công bố rộng rãi kết quả xếp hạng TCTD như các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước và quốc tế thực hiện định kỳ.
Xin cảm ơn ông!