Thị trường chứng khoán vừa hồi phục nhẹ sau phiên giảm sâu tuy nhiên thanh khoản lại sụt giảm mạnh chỉ đạt 17.543 tỷ đồng trong đó giá trị khớp lệnh chưa đến 16.000 tỷ đồng. Con số này giảm 45% so với phiên trước đó và là mức thấp nhất kể từ phiên 28/4.
Thực tế thanh khoản đã bắt đầu có xu hướng giảm từ tuần cuối tháng 6 và vẫn đang kéo dài. Tính từ đầu tháng 7, thanh khoản bình quân mỗi phiên trên HoSE chỉ đạt 20.813 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với giai đoạn sôi động bậc nhất trong tháng 6. Thậm chí, con số này có thể thấp hơn nếu không có 2 phiên giao dịch đột biến khi thị trường rơi mạnh ngày 12/7 và 6/7.
*Số liệu tính đến hết ngày 13/7
Đáng chú ý, thanh khoản thị trường chưa có dấu hiệu được cải thiện dù hệ thống mới của HoSE đã chính thức vận hành từ ngày 5/7. Việc hệ thống mới chính thức hoạt động giúp giải quyết tình trạng nghẽn lệnh, được kỳ vọng thúc đẩy dòng tiền đổ vào mạnh hơn, kéo theo xu hướng tăng trưởng của thị trường.
Thanh khoản bế tắc khiến diễn biến thị trường cũng không được như kỳ vọng, VN-Index liên tiếp có những phiên giảm sâu, nổi bật trong đó là phiên 12/7 với mức giảm 3,77%; phiên 9/7 với mức giảm 2% và phiên 6/7 với mức giảm 3,99%. Sau 7 phiên kể từ ngày "thông sàn", VN-Index đã mất đi tổng cộng 122,73 điểm (-8,6%), tương ứng vốn hóa sàn HoSE "bốc hơi" hơn 460.000 tỷ đồng (~20 tỷ USD).
KẾT QUẢ KINH DOANH ĐÃ PHẢN ÁNH VÀO GIÁ
Cùng sự sôi động chưa từng có của thị trường trong nửa đầu năm 2021, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đồng loạt khởi sắc. Phần lớn các cổ phiếu đều ghi nhận mức tăng ấn tượng hơn rất nhiều so với VN-Index trong cùng thời kỳ, thậm chí một số cái tên còn tăng bằng lần. Thị trường thuận lợi giúp các mảng hoạt động chủ yếu của CTCK như môi giới, tự doanh hay cho vay ký quỹ đều ghi nhận kết quả tích cực được đánh giá là động lực chính thúc đẩy giá cổ phiếu.
Tuy nhiên, nhóm chứng khoán cũng bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt thời gian gần đây khi thị trường trở nên kém sôi động hơn như giai đoạn trước. Thanh khoản sụt giảm sẽ tác động đáng kể đến nguồn thu của các CTCK thời gian tới. Thêm nữa, thị trường không thuận cũng ảnh hưởng đến danh mục tự doanh, mảng hoạt động mang lại lợi nhuận lớn nhất cho phần lớn các CTCK.
So sánh diễn biến một số cổ phiếu nhóm chứng khoán với VN-Index từ đầu năm 2021
Mặc dù đã chiết khấu khá lớn so với thời điểm cuối tháng 6, hầu hết các cổ phiếu chứng khoán vẫn ở mức khá cao so với đầu năm. Để tiếp tục đi lên trong thời gian tới, nhóm này cần nhiều động lực rõ ràng hơn ngoài kết quả kinh doanh khởi sắc đã phần nào được phản ánh vào giá.
Tăng vốn được đánh giá sẽ là "game" chủ đạo của nhóm cổ phiếu chứng khoán. Để đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường, hơn một nửa các CTCK đã đưa kế khoạch tăng vốn trong năm 2021 thông qua các hình thức như trả cổ tức, quyền mua, phát hành riêng lẻ...
Tính đến giữa tháng 6/2021, có 5 CTCK đã thực hiện tăng vốn thêm 1.845 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tính đến cuối năm, còn có 30 CTCK đã thông báo về kế hoạch tăng vốn thêm 24.339 tỷ đồng, bằng vốn 35,26% vốn góp hiện tại của các CTCK.
Tuy nhiên, để tránh rủi ro pha loãng đòi hỏi kết quả kinh doanh của các CTCK tiếp tục tăng trưởng mạnh để theo kịp đà tăng vốn. Và điều này sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến của thị trường chung.
Theo dự báo của Dragon Capital mới đưa ra, rủi ro giảm thời điểm này đã thấp hơn đáng kể so với đầu tháng 7. Quỹ ngoại này cho biết, với 35% tăng trưởng lợi nhuận cả năm 2021, PE 2021 sẽ đạt 14,1 khi VN-Index ở mức 1.350 điểm. Đây vẫn là mức hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực, tuy rằng không hẳn là mức thấp so với trung bình các năm trước của Việt Nam. Do đó, Dragon Capital cho rằng thị trường có thể sẽ cần thời gian để tích lũy.
Trong khi đó, phần lớn các CTCK đều cho rằng dư địa tăng của VN-Index vẫn còn tuy nhiên định giá đã không còn rẻ dù chưa phải đắt. Thậm chí, một số ý kiến còn cho rằng VN-Index có thể sẽ điều chỉnh mạnh sau đó mới tiếp tục hồi phục và đi lên các mức cao mới.