Theo chứng khoán BVSC, từ ngày 28/05 đến 03/06/2021, lãi suất liên ngân hàng có diễn biến giảm trở lại ở các kỳ hạn qua đêm và 1 tuần, với mức giảm lần lượt là 0,03% và 0,16%, xuống mức 1,39% và 1,51%/năm. Ngược lại, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 2 tuần tiếp tục tăng 0,13% lên mức 1,82%/năm.
Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế, được Ngân hàng Nhà nước công bố gần đây, đạt mức 4,67%, tính tới ngày 21/5/2021. BVSC cho biết, mức tăng này cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020, khi tính tới ngày 29/5/2020, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 2%.
Như vậy, sau 1 năm, tổng dư nợ tín dụng đã tăng 15,07%, với trên 400 nghìn tỷ vốn được vay từ hệ thống ngân hàng, tính từ đầu năm tới nay.
Ngược lại, tăng trưởng huy động vốn tính tới ngày 21/5/2021 mới chỉ đạt 2,68%, tương đương mức tăng vào cuối tháng 5/2020, tăng 13,27% và hơn 260 nghìn tỷ đồng được hút vào hệ thống qua kênh huy động vốn từ đầu năm tới nay.
Như vậy, so với cuối năm 2020, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã có sự thu hẹp đáng kể. Nhóm phân tích của BVSC nhận định, diễn biến này nhiều khả năng đã góp phần vào việc lãi suất liên ngân hàng tăng liên tục trong các tuần gần đây.
Theo các thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, tính tới cuối tháng 5, số dư tiền gửi của Kho Bạc Nhà nước (KBNN) ở hệ thống ngân hàng thương mại đã tăng lên mức 63.000 tỷ đồng so với trước đây. Việc KBNN đẩy mạnh phát hành Trái phiếu Chính phủ trong thời gian vừa qua đã KBNN có tiền nhàn rỗi, đặc biệt trong bối cảnh giải ngân đầu tư công bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh.
Lượng tiền mới đổ vào từ KBNN phần nào đã hỗ trợ cho thanh khoản hệ thống ngân hàng, qua đó, giúp lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm và 1 tuần giảm nhẹ trong tuần qua. Số tiền gửi hiện tại của KBNN là khoản tiền gửi ngắn hạn và sẽ đáo hạn trong vòng 6 tháng. Đây sẽ là yếu tố giúp giảm căng thẳng hệ thống ngân hàng trong ngắn hạn, khi lãi suất liên ngân hàng có diễn biến tăng liên tiếp.