Thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đã ổn định trong nửa sau tháng 3 khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ bơm ròng gần 3 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, lãi suất liên ngân hàng qua đêm cũng dao động quanh vùng 2%/năm. Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng mạnh do tâm lý nhà đầu tư muốn tìm nơi trú ẩn tránh ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trên thị trường tiền tệ, lượng tiền trong hệ thống ngân hàng đạt mức ổn định sau một thời gian hút ròng liên tục của NHNN. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm đang giữ ở mức 2%/năm trong 1 tháng qua.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ. Hệ quả là tăng trưởng tín dụng quý 1 chỉ đạt 0,68%, mức tăng thấp nhất trong 6 năm qua. Do đó, trong thời gian vừa qua các ngân hàng đang gặp tình trạng dư thừa thanh khoản, khiến NHNN phải liên tục hút tiền ra khỏi hệ thống. Tuy nhiên, hiện tại tình hình thanh khoản đã ổn định.
Trong 2 tuần vừa qua, theo MBS, NHNN không phát hành tín phiếu nào mà thực hiện bơm hơn 2.850 tỷ đồng vào hệ thống. Tổng cộng, trong tháng 3, NHNN hút ròng 24.137 tỷ đồng, bằng 25% so với lượng hút ròng tháng 2 là 94.970 tỷ đồng.
Thanh khoản ổn định cũng giúp lãi suất liên ngân hàng chỉ dao động nhe. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm giảm 8 điểm cơ bản từ giữa tháng 3, còn 2,04%/năm. Lãi suất.
Riêng về đô la, tỷ giá USD/VND tự do và liên ngân hàng tăng mạnh nhưng dự báo sẽ dần ổn định.
Ảnh hưởng sâu rộng của dịch bệnh trên toàn thế giới khiến giới đầu tư tìm đến nơi trú ẩn an toàn là đồng USD.
Tuy tỷ giá USD/VND trung tâm tăng không đáng kể so với giữa tháng 3, 13 đồng từ 22.222 đồng/USD về 23.235 đồng/USD, tỷ giá trên thị trường tự do và tỷ giá liên ngân hàng lại tăng mạnh lần lượt 570 đồng và 425 đồng lên mức 23.775 đồng/USD và 23.637 đồng/USD.
Tuy nhiên, MBS nhấn mạnh: “những biến động này chỉ mang tính thời điểm. Chúng tôi đánh giá với sự điều hành hợp lý của NHNN và lượng dự trữ ngoại hối dồi dào, tỷ giá năm nay sẽ không có nhiều biến động”.
Theo thông tin cập nhật từ ADB, chi phí của đại dịch virus corona có thể lên tới 4,1 nghìn tỷ USD, hay gần 5% GDP toàn cầu, phụ thuộc vào sự lây lan của dịch bệnh tại châu Âu, Mỹ và các nền kinh tế lớn khác, theo Ngân hàng phát triển châu Á.