Một lần nữa và là lần thứ hai kể từ khi COVID-19 xẩy ra, lãi suất VND qua đêm lại vượt mốc 5%/năm, thanh khoản có phần căng lên trước thềm nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.
Và cũng một lần nữa lãi suất VND cho thấy khả năng và biên độ “nhảy múa” cực mạnh và chưa từng có trong lịch sử hoạt động hệ thống ngân hàng Việt Nam trước đây.
Nhiều năm trước và qua nhiều biến động, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng thường theo chiều tăng hoặc giảm một cách nhất quán để đến các vùng cân bằng. Nhưng, khoảng ba tháng qua, lãi suất VND trên thị trường này liên tục biến động rất mạnh, tăng cao rồi giảm sâu rồi lại tăng cao…
Cuối tháng 5 đầu tháng 6/2022, lãi suất VND qua đêm ổn định dưới 1%, thậm chí có lúc chỉ hơn 0,3%/năm, nhưng sau đó đột ngột leo thang không ngừng và vượt mốc 5%/năm (tăng hàng chục lần) vào cuối tháng 7. Nhưng, cũng rất chóng vánh, lại liên tục lao dốc hai tuần đầu tháng 8 để rồi từ nửa cuối tháng 8 vừa qua lại dồn dập tăng và một lần nữa vượt mốc 5%/năm.
Biến động thất thường trên một mặt phản ánh những tác động lớn, nhưng mặt khác cũng cho thấy sự kém hiệu dụng của chính sách điều hành trong giữ ổn định chung hoặc cân đối chung trên thị trường này.
Trước thềm kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, như trên, một lần nữa thị trường liên ngân hàng chứng kiến lãi suất VND qua đêm tăng vọt lên 5,03%/năm, cập nhật đến sáng 31/8. Đà tăng của lãi suất VND trên thị trường này mở rộng ở hầu hết các kỳ hạn. Diễn biến này đặt trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục bơm ròng tiền ra thị trường.
Có tính mùa vụ ngắn hạn, trước kỳ nghỉ lễ khá dài, nhu cầu tiền mặt và tiền rút ra khỏi hệ thống ngân hàng thường tăng cao. Thanh khoản hệ thống theo đó căng lên mang tính thời điểm, và lãi suất liên ngân hàng tăng lên.
NHNN dĩ nhiên nắm rõ dòng chảy cung - cầu ngắn hạn đó, nên đã liên tiếp đẩy mạnh bơm ròng tiền trước thềm kỳ nghỉ lễ này. Đúng ra, bơm ròng ở đây chủ yếu từ nguồn tiền của hệ thống mua tín phiếu NHNN trước đó đáo hạn để trở lại. Song song, Nhà điều hành cũng liên tiếp bơm ròng qua thị trường mở (OMO) với quy mô gần 10.000 tỷ đồng/phiên.
Đáng chú ý, lãi suất OMO đã lên 4,5%/năm, chi phí mượn vốn theo đó đã không còn thấp như giai đoạn nửa đầu năm (2,5%/năm). Song, để mượn được lãi suất 4,5% này các ngân hàng phải có giấy tờ có giá, còn nữa đã số nhu cầu vẫn phải vay nóng trên liên ngân hàng với lãi suất trên 5%/năm.
Mặc dù NHNN liên tiếp bơm ròng qua OMO cùng lượt tiền hút về trước đó qua tín phiếu đáo hạn và trở lại thị trường khá lớn, nhưng lãi suất VND liên ngân hàng vẫn tăng cao như trên. Bên cạnh yếu tố nhu cầu cho dịp nghỉ lễ khá dài, “ẩn số” vẫn nằm ở lượng tiền VND mà NHNN “buộc” phải hút về qua bán ra ngoại tệ bình ổn tỷ giá.
Lượng tiền bị hút về qua bán ra ngoại tệ hiện khó đong đếm do đây là con số hạn chế cập nhật trong các dòng chảy thông tin, cũng như có liên quan nhất định đến dự trữ ngoại hối quốc gia (thuộc diện thông tin mật hoặc chỉ được đầu mối có thẩm quyền công bố).
Nhưng có thể tham khảo ở diễn biến trên thị trường. Đã một thời gian khá dài Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước yết giá USD bán ra ở 23.400 VND, nhưng các ngân hàng muốn mua trên thị trường liên ngân hàng phải trả giá cao hơn, như phiên 31/8 phải trả tới 23.465 VND (giá giao ngay).
Trong khi đó, dữ liệu về quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam mà một số tổ chức quốc tế cập nhật đã cho thấy đà sụt giảm rõ rệt trong chuỗi thống kê suốt từ đầu năm đến nay…
Phía trước, một lần nữa lãi suất liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND cũng như việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam tiếp tục chờ đợi quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp chính sách tháng 9 sắp tới.