Trình bày Tờ trình về việc thành lập thị trấn Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, thị trấn Dầu Giây được thành lập trên cơ sở 14,14 km2 diện tích tự nhiên và dân số 23.309 người của xã Xuân Thạnh còn lại, sau khi điều chỉnh địa giới các xã Hưng Lộc, Bàu Hàm 2, Xuân Thạnh, Quang Trung.
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc thành lập thị trấn Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai đã bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Thị trấn Dầu Giây sau khi được thành lập đảm bảo đạt đủ 04/04 tiêu chuẩn thành lập thị trấn theo quy định tại Điều 9 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Hồ sơ, thủ tục đề nghị thành lập thị trấn Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai đã đáp ứng đủ theo quy định.
Theo Tờ trình của Chính phủ, thị trấn Hiệp Phước thuộc huyện Nhơn Trạch được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên 18,83 km2 và dân số 38.645 người của xã Hiệp Phước. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, việc thành lập thị trấn Hiệp Phước không làm thay đổi số đơn vị hành chính trực thuộc huyện Nhơn Trạch, nhưng giảm 1 xã và tăng 1 thị trấn. Thị trấn Hiệp Phước sau khi được thành lập bảo đảm đạt đủ 04/04 tiêu chuẩn thành lập thị trấn quy định tại Điều 9 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13. Hồ sơ, thủ tục đề nghị thành lập thị trấn Hiệp Phước thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đã đáp ứng đủ theo quy định.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, trên cơ sở đề nghị của tỉnh Đồng Nai, Chính phủ đề xuất thành lập 6 phường An Hòa, Hiệp Hòa, Hóa An, Phước Tân, Tam Phước, Tân Hạnh thuộc thành phố Biên Hòa trên cơ sở toàn bộ diện tích đất tự nhiên và dân số của các xã An Hòa, Hiệp Hòa, Hóa An, Phước Tân, Tam Phước, Tân Hạnh.
Quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa và dân số cơ học tăng nhanh trong những năm qua, đã có tác động rất lớn đến đời sống cũng như sinh hoạt của người dân trên địa bàn các xã An Hòa, Hiệp Hòa, Hóa An, Phước Tân, Tam Phước, Tân Hạnh. Từ đó làm phát sinh nhiều vấn đề khó khăn trong quản lý kinh tế, quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc, quản lý kết cấu hạ tầng kỹ thuật... theo mô hình chính quyền nông thôn. Do vậy, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, việc thành lập các phường: An Hòa, Hiệp Hòa, Hóa An, Phước Tân, Tam Phước, Tân Hạnh trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 6 xã là yêu cầu cấp bách và cần thiết, nhằm tổ chức bộ máy chính quyền đô thị. Việc thành lập 6 phường cũng phù hợp với quy hoạch chung của thành phố đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.
Theo Đây là một lưu ý tại Báo cáo thẩm tra các đề án thành lập một số đơn vị hành chính đô thị thuộc tỉnh Đồng Nai do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày, tuy thành lập 2 thị trấn tại các huyện Nhơn Trạch, Thống Nhất và 6 phường thuộc thành phố Biên Hòa, song số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách của các đơn vị hành chính này về cơ bản vẫn được giữ nguyên do được nâng nguyên trạng từ các xã. Tuy nhiên, việc thành lập 2 thị trấn và 6 phường trên cơ sở 8 xã của tỉnh Đồng Nai sẽ đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao hơn trước.
Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị, Chính phủ và UBND tỉnh Đồng Nai có kế hoạch cụ thể đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hiện có của 8 xã để đáp ứng với yêu cầu quản lý của chính quyền ở đô thị.
* Trước đó, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); về phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật Tổ chức Quốc hội.