Thông tin giá xuống thấp - chỉ khổ dân!
Ngày 9/10, trao đổi với Tiền Phong khi đang kiểm tra thực tế tiêu thụ thanh long tại các cửa khẩu ở Lào Cai, Lạng Sơn, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NN&PTNT cho biết: “Các cửa khẩu với Trung Quốc diễn ra rất bình thường”.
“Tôi đã có mặt ở cửa khẩu Kim Thành, Lào Cai, cứ 1-2 phút, là có một xe thanh long 20 tấn thông quan. Tất cả các bộ phận gần như tạo điều kiện hết mức cho thanh long thông quan. Tại cửa khẩu Lào Cai, hôm qua đến nay đã có khoảng 4.900 tấn thanh long được xuất sang Trung Quốc. Tính chung, mỗi ngày Việt Nam xuất khoảng 13.000 tấn quả thanh long tươi qua các cửa khẩu tại biên giới phía Bắc”- ông Trung nói.
Ông Trung khẳng định, không có chuyện thương lái thu mua thanh long với giá 2.000-5.000 đồng/kg tại cửa khẩu. “Tôi đã trực tiếp làm việc với các DN thu mua ở Bình Thuận và bán tại cửa khẩu phía Bắc. Giá bán ở cửa khẩu hôm nào thấp lắm là 10.000 đồng/kg, còn bình quân là 16.000-20.000 đồng/kg. Còn giá thu mua tại địa phương cũng tùy từng loại phẩm cấp, nhưng dao động 10.000-16.000 đồng/kg”- ông Trung khẳng định.
Lãnh đạo Cục BTVT cho rằng, hiện giá cước vận chuyển tới 100-105 triệu/ca xe (20 tấn) từ Nam ra cửa khẩu, nghĩa là 1 kg thanh long cõng khoảng 5.000 đồng/kg tiền cước, nên không lý gì mà bán ở cửa khẩu 2.000-5.000 đồng/kg.
Các địa phương cần nâng cao chất lượng quả thanh long, có cơ cấu hợp lý giữa thanh long ruột trắng và thanh long ruột đỏ, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao hơn. Ngoài ra, kết hợp với chuỗi liên kết, giữa vật tư đầu vào và tiêu thụ, để hiệu quả tốt nhất, tránh chuyện làm ăn chộp giật, cạnh tranh không lành mạnh”- ông Trung nói và cho biết, Cục sẽ tiếp tục làm việc với phía Trung Quốc để họ có chính sách cởi mở nhất cho Việt Nam. Cùng đó, mở cửa các thị trường mới và tăng thị phần ở những thị trường đã mở. Như Mỹ trước đây chỉ được vài trăm tấn, nay đã lên 3.000-4.000 tấn/năm.
Theo Cục BVTV, hiện diện tích thanh long cả nước khoảng 50.000 ha, tổng sản lượng thanh long năm 2018 khoảng 2 triệu tấn, trong đó sản lượng xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn, trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 90%.
"Ai cũng mong muốn, ủng hộ nông dân phải giàu lên, nhưng chúng ta không nên ủng hộ kiểu suốt ngày bảo cây này dư thừa là do trách nhiệm của cấp nọ, chính quyền kia. Ở đây, thiệt hại trước hết chính là người nông dân. Nông dân phải chuyển mình thực sự và trong lúc này, nếu xảy ra những chuyện rủi ro, đau thương, đó cũng là bài học để họ tự nhận thức, rút ra để thay đổi tư duy về sản xuất".
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Trồng trọt
Phải chấp nhận đau thương
TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia nông nghiệp cho rằng, lâu nay nông dân Việt Nam sản xuất theo tín hiệu của thương lái, nên có lời thì họ mua, không thì thôi. Vì thế, cần phải tổ chức theo chuỗi ngành hàng, trong đó hai thành phần quan trọng là doanh nghiệp (DN) và nông dân. DN là người hiểu được thị trường, tiêu chuẩn, chất lượng…từ đó quay lại ký hợp đồng với nông dân. Nếu nông dân theo chuỗi đó, sẽ hiếm khi cần giải cứu.
Từ vấn đề của giải cứu dứa ở Thanh Hóa vừa qua, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng: “Trong lúc ở Thanh Hóa nông dân cần giải cứu, thì cũng có DN còn không đủ dứa nguyên liệu để chế biến.
Vấn đề ở chỗ, vì không có liên kết, nên chắc gì quả dứa cần giải cứu đã đạt phẩm cấp mà nhà chế biến yêu cầu. Chưa kể, nhà máy đã đăng ký với nhà nhập khẩu là giống A, trong khi người dân trồng giống B thì sao họ mua chế biến được.
Theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, các địa phương cần định hướng cho người dân nhận thức được những vùng sản xuất phù hợp, tránh tình trạng đua nhau chuyển đổi cây trồng, thậm chí những vùng đã sản xuất ổn định vẫn phá, chạy theo cây trồng mới… “Như vùng vải Lục Ngạn ở Bắc Giang, nhiều nông dân chạy theo trồng cam, chắc gì trồng cam đã phù hợp và thu nhập tốt hơn? Vấn đề này cần nghiên cứu cẩn thận”- ông Sơn nói.