Manila, một trong những khu đô thị lớn và có lượng phương tiện giao thông đông đúc nhất thế giới, đã có một giải pháp cho vấn đề của họ: xây dựng các đảo nhân tạo trên biển. Kế hoạch của Manila là tạo ra những hòn đảo có tổng diện tích là 90 km2 để xây dựng một sân bay mới, khu căn hộ, sòng bạc, công viên giải trí và các khu tổ hợp thương mại.
Các nhà phát triển bất động sản của Philippines đang phải "xếp hàng" để hưởng lợi được phần nào từ kế hoạch này. SM Prime Holdings, công ty xây dựng lớn nhất nước này, là một trong số các tập đoàn đệ trình 22 đề xuất về việc xây dựng trị giá 34 tỷ USD tới Cơ quan Cải tạo đất Philippine (PRA). Tuy nhiên, các nhà môi trường học cùng cộng đồng đã sống nhiều thế hệ nhờ vào đánh bắt cá ở vùng vịnh đang lo ngại rằng dự án khổng lồ trên có thể gây ra mối hiểm hoạ to lớn, không chỉ đối với họ mà còn cả thành phố.
Vấn đề nan giải mà Manila phải đối mặt có thể chứng kiến ở nhiều thành phố tăng trưởng nhanh ở các quốc gia đang phát triển. Mật độ dân số tăng mạnh, một phần là do những người ở vùng nông thôn di cư đến, đang khiến các dịch vụ, đường xá, giao thông, điện, hệ thống thoát nước trở nên quá tải. Manila là thành phố có tình trạng giao thông tồi tệ nhất trong số 186 quốc gia được xếp hạng bởi nhà phát triển ứng dụng giao thông Waze Mobile, cuộc khảo sát này được thực hiện dựa trên độ hài lòng của các tài xế.
Ở trường hợp của Manila, vấn đề trở nên trầm trọng hơn bởi địa lý. Thủ đô của Philippines là sự sáp nhập của 16 thành phố và 1 vùng đô thị, nằm ở giữa hồ Laguna và dãy núi Rizal ở phía đông và vịnh Manila ở phía Tây. Khu vực rộng lớn này có tổng cộng 25 triệu dân. Trong quá trình phát triển của thành phố, những khu đất nông nghiệp đã trở thành các khu công nghiệp và công nghệ, những ngọn đồi xung quanh bị san phẳng để có thêm đất trống. Như các thành phố khác bị hạn chế về mặt địa lý, như Hong Kong, Singapore và Tokyo, Manila cũng dự định sẽ mở rộng ra cả ngoài biển.
Cảng vận tải hàng hoá Manila và Đại lộ Roxas rợp bóng cọ, nổi tiếng với cảnh hoàng hôn đẹp đến choáng ngợp, toạ lạc trên vùng đất được chính quyền Mỹ khai hoang cách đây gần 1 thế kỷ. Những dự án nhỏ cứ tiếp tục bồi thêm đất từ vịnh vào cho tới năm 1977 khi Ferdinand Marocs đề xuất mở rộng 3.000 ha cho bờ biển phía nam - một dự án sẽ mất nhiều thập kỷ để hiện thực hoá và đang được xây dựng ở thời điểm hiện tại. Dẫu vậy, cũng như khu đất được khai hoang với tốc độ nhanh chóng, thì khu vực này cũng không thể đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng chóng mặt của mật độ dân cư.
Kế hoạch đầy tham vọng này được thúc đẩy bởi Tổng thống Rodrigo Duterte, ông khuyến khích các công ty tư nhân đề xuất những ý kiến nhằm cải tạo tình trạng tắc nghẽn giao thông. Joselito Gonzales, trợ lý tổng giám đốc tại PRA, cho biết kế hoạch này có thể tạo ra "hàng tỷ USD về mặt giao dịch thương mại."
Đầu những năm 2000, các nhà xây dựng đã ráo riết mua đất ở Manila khi nhu cầu sử dụng khu văn phòng tăng vọt của các nhà đầu tư nước ngoài. Các cuộc đấu thầu đã đẩy giá đất lên mức cao kỷ lục là 900.000 peso (17.600 USD)/m2. Theo Fredrick Rara, giám đốc nghiên cứu tại công ty dịch vụ bất động sản KMC Savills, mức giá đó cao gấp 3 lần so với việc xây dựng 1 hòn đảo nhân tạo.
Sự bùng nổ của giá đất có thể thấy rõ ràng nhất là ở miền nam của thủ đô, được gọi là Khu vực Bay City. Đây là nơi có những khu trung tâm thương mại, casino nổi tiếng như Tiger Resort Asia. Khu vực này đã chứng kiến tốc độ tăng chóng mặt của giá nhà và căn hộ trong 6 quý liên tiếp tính đến tháng 3.
Thế nhưng, việc cải tạo đất ở khu đất liền Manila và phần lớn vùng vịnh có thể gây ra hậu quả rất lớn cho môi trường địa phương. Manila được xây dựng trên một đồng bằng sông nước vĩ độ thấp để tránh những cơn bão, động đất và nước dâng do bão. Một nghiên cứu tại Đại học Hong Kong cho thấy rằng việc xây dựng các đảo nhân tạo có thể làm giảm tới 1/5 đời sống thuỷ sinh ở vùng vịnh trong 5 năm, khi nhiệt độ, mực nước và dòng nước thay đổi.
Agustin Arcenas, giáo sư kinh tế tài nguyên và môi trường tại Đại học Philippines, cho hay: "Đây thực sự sẽ là sự mất mát cho xã hội. Sẽ có được lợi ích và thêm việc làm từ việc xây dựng, nhưng phải đánh đổi sự mất đi của nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường dồi dào."
Samuel Miller, 55 tuổi, cho hay: "Chính phủ nói rằng việc cải tạo vịnh Manila là sự tiến triển, nhưng nó dành cho ai? Đó là cho họ chứ không phải chúng tôi. Làm thế nào chúng ta có thể là một phần của sự phát triển nếu mất đi nhà cửa và kế sinh nhai." Mỗi ngày, ông Miller đều chèo thuyền từ trước khi bình minh để đánh bắt cá tại vịnh Manila, công việc này đã được duy trì từ khi ông 9 tuổi.
Chính phủ cho biết họ sẽ giám sát chặt chẽ những đề xuất về việc cải tạo. Thứ trưởng Bộ Môi trường, Benny Antiporda, cho hay: "Chúng tôi sẽ không đánh đổi hệ sự đa dạng sinh học của khu vực này chỉ để một vài người kiếm được tiền."
Trong nhiều thập kỷ phát triển, các đời lãnh đạo từ trước tới nay đều nỗ lực để chuyển hướng tăng trưởng từ thủ đô sang những khu vực khác, bao gồm một đề xuất gần đây về việc xây dựng một thành phố xanh với quy mô tương tự như Manhattan. tại New Clark - cách thủ đô 100km về phía bắc. Dẫu vậy, dòng tiền vẫn dồn dập đổ vào Manila.
Khu vực thủ đô chiếm gần 1 nửa nền kinh tế Philippines. Manila là trụ sở của các cơ quan chính phủ, ngân hàng trung ương và trung tâm tài chính. Đây cũng là nơi có những trường đại học nổi tiếng nhất cả nước, thu hút hàng ngàn người di cư tới mỗi năm, cung cấp một lượng lớn lao động lành nghề lẫn chưa lành nghề cho đất nước.
Tuy nhiên, các dự án cải tạo phải mất đến hàng thập kỷ, có nghĩa là các nhà đầu tư tư nhân sẽ phải chịu rủi ro lớn, bao gồm những biến động trên thị trường bất động sản, chính phủ thay đổi chính sách và luật môi trường. Ví dụ như Forest City - một công trình phát triển được Trung Quốc tài trợ tới 100 tỷ USD, ban đầu được bán cho các nhà đầu tư Trung Quốc, nhưng lại có một loạt căn nhà không thể bán sau khi Bắc Kinh thắt chặt quy định chuyển tiền ra nước ngoài.