Trong bối cảnh châu Âu chuẩn bị đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên có thể xảy ra vào mùa đông tới, thành phố Hanover của Đức đã cấm sử dụng nước nóng tại các tòa nhà công cộng và đưa ra một số biện pháp nhằm giảm thiểu sử dụng năng lượng.
Văn phòng thị trưởng thông báo: "Mỗi kWh tiết kiệm được sẽ giảm tiêu hao khí đốt dự trữ trong các bình chứa".
Đây là thành phố đầu tiên của Đức chuyển sang dùng nước lạnh tại các tòa nhà công cộng. Nước nóng tại các cơ quan chính phủ, phòng tập thể thao hay bể bơi sẽ bị cắt.
Thị trưởng Belit Onay cho biết: "Mục tiêu là giảm mức tiêu thụ năng lượng của chúng ta xuống 15%. Đây là cách ứng phó đối với tình trạng thiếu khí đốt đang gây ra thách thức lớn đối với các thành phố, đặc biệt là đối với một thành phố lớn như Hanover".
Ông nói thêm rằng không ai đoán trước được tình hình hiện tại nhưng chính quyền đang cố gắng chuẩn bị tốt nhất có thể.
Trên khắp Liên minh châu Âu, các quốc gia thành viên đang chạy đua để tiết kiệm và dự trữ khí đốt cho mùa đông. Vào ngày 26/7, các bộ trưởng năng lượng đã đồng ý về nguyên tắc cắt giảm 15% khí đốt từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau.
EU đã cố gắng cắt giảm nhanh chóng khí đốt nhập khẩu của Nga kể từ tháng 2. Các quốc gia châu Âu cam kết sẽ chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc này vào năm 2027.
Đức là đầu tàu kinh tế của châu Âu. Quốc gia này trước nay phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga để cung cấp năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Đức đã cố gắng giảm tỷ lệ nhập khẩu khí đốt của Moscow từ mức 55% xuống 35%.
Tháng trước, tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga đã cắt giảm 60% lượng khí đốt qua đường ống Nord Stream 1. Động thái này khiến Đức phải tuyên bố tình trạng "khủng hoảng khí đốt" và kích hoạt giai đoạn 2 của chương trình khí đốt khẩn cấp 3 giai đoạn.
Đầu tuần này, Gazprom một lần nữa cắt giảm lượng khí đốt xuống còn 20% công suất với lý do bảo trì đường ống.
Theo CNN