Trương Gia Khẩu (Zhangjiakou) là một thành phố nghèo ở tỉnh Hà Bắc, cách 180km về phía Bắc của thủ đô Bắc Kinh. Nơi đây chẳng có gì đáng thu hút nếu vào năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không tuyên bố ủng hộ Olympic Bắc Kinh 2022.
Năm 2015, chỉ vài giờ trước khi Uỷ ban Olympic bỏ phiếu, Chủ tịch Tập Cận Bình đã xuất hiện trên truyền hình để cam kết rằng nếu Thế vận hội mùa đông được tổ chức tại Bắc Kinh thì chúng sẽ trở thành ngày hội "hoàn mỹ, tuyệt vời, xuất sắc" nhất tại Trung Quốc.
Thế nhưng đại dịch Covid-19 và sự tẩy chay của Mỹ đã làm xáo trộn tất cả khi Uỷ ban Olympic quyết định truyền hình trực tiếp lễ khai mạc lẫn bế mạc, giới hạn số người đến xem cũng như đảm bảo các quy định giãn cách. Khẩu hiệu của Thế vận hội mùa đông năm nay cũng biến thành "Đơn giản, an toàn và tuyệt vời", khác xa so với những gì Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết trước đây.
Quay trở lại với Trương Gia Khẩu, dù các lễ khai mạc, bế mạc và nhiều sự kiện chính được tổ chức tại Bắc Kinh nhưng nhiều môn thi cũng được diễn ra tại thành phố nghèo này, ví dụ như trượt tuyết. Chính quyền và người dân thành phố đã kỳ vọng Olympic mùa đông 2022 sẽ là cơ hội để quảng bá hình ảnh, nâng tầm quốc tế và trở thành trung tâm hàng đầu về thể thao mùa đông cũng như năng lượng xanh.
Vậy nhưng giấc mơ của người Trương Gia Khẩu chưa kịp thực hiện thì đã vấp phải nhiều khó khăn.
Vùng nghèo nhất nước
Huyện Chongli của Trương Gia Khẩu là nơi diễn ra nhiều sự kiện thể thao và nơi đây vốn là vùng nghèo khó nhất nước tính đến tháng 12/2019. Thế nhưng với mục tiêu thực hiện Olympic 2022 của Chủ tịch Tập Cận Bình, hàng loạt khách sạn hạng sang với thương hiệu quốc tế, khu nghỉ dưỡng trượt tuyết, đường xe lửa cao tốc và những khu phức hợp thể thao đã được xây dựng.
Số liệu chính thức cho thấy 1/5 người dân địa phương đang làm việc trong các mảng liên quan đến Thế vận hội mùa đông.
"Nếu không có Olympic 2022, huyện Chongli có lẽ vẫn nghèo và sẽ phải mất 30 năm mới đạt được mức độ phát triển như hiện nay", Tổng giám đốc Công ty Xây dựng và Phát triển Thể thao Olympic (OSCDC), ông Jia Maoting nhận định.
Sự kiện được hy vọng thúc đẩy kinh tế Trương Gia Khẩu có nguy cơ thành "bom xịt"
Thế nhưng đại dịch Covid-19 cùng sự tẩy chay từ một số nước như Mỹ và các đồng minh đã làm mọi kế hoạch phá sản. Số vận động viên tham dự chắc chắn sẽ ít hơn và hiện Trung Quốc còn chưa quyết định có cho người dân mua vé vào xem các trận đấu hay không.
Trung Quốc đã chính thức cấm khán giả nước ngoài đến xem Olympic Bắc Kinh 2022, trong khi những người dân trong nước "bị cấm hò hét, cổ vũ và hạn chế vỗ tay" khi tham gia sự kiện.
Trong khoảng 2018-2019 trước khi đại dịch diễn ra, huyện Chongli đã đón gần 3 triệu du khách đến trượt tuyết. Thế nhưng hiện chính quyền địa phương đã phải đóng cửa toàn bộ khu trượt tuyết cũng như danh lam thắng cảnh với du khách từ nay cho đến hết 3/3/2022 nhằm đảm bảo an toàn chống dịch khi tổ chức sự kiện.
Bất cứ ai, bao gồm cả vận động viên khi đến Chongli sẽ phải trình giấy xét nghiệm trong 48 tiếng cũng như lịch trình di chuyển trong 2 tuần trước đó mới được xét duyệt thông qua.
Bên cạnh đó, tiến trình thi công nhiều hạng mục tại Chongli cũng bị chậm tiến độ khi đến cuối tháng 12/2021 vẫn chưa hoàn thành. Trung tâm trượt tuyết quốc gia, nơi diễn ra nhiều sự kiện chính cũng mới chỉ hoàn thiện được 90%.
Vỡ mộng
Theo SCMP, tăng trưởng kinh tế của Trương Gia Khẩu đã đạt 7,5% trong 3 quý đầu năm 2021, thấp hơn mức bình quân 9,8% của cả nước và 7,7% của tỉnh Hà Bắc. Dù nhiều cơ sở hạ tầng, khách sạn và dự án mọc lên như nấm nhằm chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh 2022 nhưng việc thiếu vắng du khách khiến tình hình khá bi quan trong ngắn hạn.
Một vấn đề nữa khiến chính quyền địa phương phải đau đầu là tình trạng ô nhiễm khói bụi do quá nhiều công trình được dựng lên.
Hàng trăm triệu USD đã được đổ vào Trương Gia Khẩu
Bất chấp điều đó, chính quyền địa phương Trương Gia Khẩu vẫn kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn nữa đến đây kinh doanh nhờ được quảng bá danh tiếng thông qua Olympic 2022. Khoảng 48 công ty quốc tế đã ký kết mở nhà máy tại đây và khoảng 22 hãng đã chính thức đi vào vận hành.
Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh cũng đổ khoảng 11 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 173 triệu USD cho Trương Gia Khẩu nhằm đảm bảo hình ảnh Trung Quốc với bạn bè quốc tế trong mùa Thế vận hội.
Dẫu vậy, việc đại dịch chưa chấm dứt và sự tẩy chay của Mỹ đang khiến mọi chuyện trở nên phức tạp. Theo SCMP, một hãng sản xuất ván trượt tuyết của Mỹ đã bày tỏ ý định chuyển nhà máy đến Trương Gia Khẩu nhưng vẫn chưa thực hiện trước tình hình phức tạp hiện nay.
*Nguồn: SCMP