Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ và đạt được nhiều kết quả, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Việt Nam cũng luôn thể hiện cam kết mạnh mẽ để thực hiện các mục tiêu theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững với 115 chỉ tiêu và lồng ghép vào tất cả các chủ trương, chính sách, kế hoạch hành động.
Ông nhấn mạnh không thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững nếu không hành động đúng đắn, quyết liệt, đồng bộ của cộng đồng.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phát triển bền vững vừa là nhu cầu cấp bách, vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển xã hội. Chủ trương phát triển bền vững được thể hiện nhất quán trong các văn kiện, các chương trình, kế hoạch phát triển đất nước trong từng thời kỳ.
Trong 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững và đạt được nhiều thành tựu quan trọng như kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được duy trì ở mức cao, chất lượng tăng trưởng được nâng lên.
Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2017 thuộc nhóm trung bình cao trong tổng số 189 quốc gia. Việt Nam tích cực tham gia có hiệu quả vào các sáng kiến bảo vệ môi trường toàn cầu.
Theo báo cáo đánh giá thường niên lần thứ tư về tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững năm 2019, Việt Nam xếp thứ 54, tăng 3 bậc so với năm 2018 và chỉ số phát triển bền vững đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Các chỉ số xếp hạng cao ở Việt Nam là xoá đói giảm nghèo, giáo dục, tiếp cận năng lượng, mô hình tiêu dùng, sản xuất bền vững, chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho biết các kết quả nêu trên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa được cải thiện nhiều; tình trạng khai thác và sử dụng kém hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm ô nhiễm môi trường…
Theo đó, ông đề nghị cần thống nhất về nhận thức và hành động trong tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, cần tập trung chính sách và nguồn lực cho phát triển bền vững.
Thủ tướng đề nghị các bộ, các ngành, các địa phương nghiên cứu để đưa ra chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững là trọng tâm, nội dung xuyên suốt trong chiến lược kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030 với kế hoạch, các nhiệm vụ cụ thể.
Mặt khác, các cơ quan chức năng cần tăng tốc quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đổi mới công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nghèo, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời, cần hành động cùng cộng đồng quốc tế sớm đưa thoả thuận Paris về ứng phó biến đổi khí hậu trở thành hiện thực. Lồng ghép và đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương các điển hình như các biện pháp quyết liệt, cụ thể của TP. Hà Nội với chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016 - 2018 và trồng thêm 600.000 cây xanh nữa đến năm 2020, giao chỉ tiêu trồng cây xanh tới từng quận, huyện của thành phố.
Hay Quảng Ninh thực hiện chấm dứt sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần ở vùng Vịnh Hạ Long; ở Cù Lao Chàm, Hội An, tỉnh Quảng Nam đã 10 năm không sử dụng túi nilon.
Thủ tướng cũng đánh giá cao sáng kiến lập Liên minh tái chế bao bì Việt Nam hay là Saigon Coop, một siêu thị lớn cơ bản không sử dụng túi nilon trong tiêu dùng.