Đề xuất này là một trong hai nội dung của Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị UBND TP.HCM dự kiến trình Thường trực Thành ủy xin ý kiến Bộ Chính trị trong quý 1/2020. Nhiều chuyên gia đánh giá rằng chủ trương của TP.HCM rất táo bạo, tâm huyết với mục đích có được cơ chế vận hành đúng với vai trò là đơn vị hành chính đặc biệt của cả nước.
TP.HCM đánh giá việc quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác phía Đông sẽ hình thành tiểu vùng đô thị trung tâm theo quy hoạch vùng TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Trong tương lai, khu đô thị sáng tạo sẽ trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế thành phố.
Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ cụ thể hóa các ý tưởng thành bộ khung pháp lý về quy hoạch. Đồng thời rà soát cơ sở pháp lý và xây dựng các quy định mới, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hình thành khu đô thị sáng tạo phía Đông, tạo tiền đề cho việc ra đời thành phố phía Đông trong tương lai.
Cuối năm 2019, UBND TP.HCM đã trao giải nhất về ý tưởng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo phía Đông cho Công ty Sasaki Associates, Inc., (Mỹ). Để triển khai đồ án, đơn vị đoạt giải đề xuất thành lập cơ quan quản lý phát triển khu đô thị này dưới mô hình công ty chịu trách nhiệm phát triển dự án. Đơn vị này nhấn mạnh đến mô hình 3 "nhà" với sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và Nhà nước, xây dựng nên các khu đô thị sáng tạo.
Song song đó, nhóm thứ tư là cộng đồng dân cư ngày càng quan trọng đối với sự phát triển về đổi mới sáng tạo. Ở khu đô thị sáng tạo này, nền kinh tế sáng tạo sẽ là động lực chính để phát triển đô thị trong tương lai. Việc tận dụng hiệu quả các tổ chức giáo dục đại học và công nghiệp cũng là khía cạnh quan trọng để phát triển nền kinh tế sáng tạo.
Trong đó, việc xây dựng Thủ Thiêm trở thành trung tâm công nghệ tài chính quốc tế, hình thành trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc, phát triển trung tâm công nghệ cao và trung tâm công nghệ giáo dục (Đại học Quốc gia TPHCM), là những khu vực quan trọng của "thành phố trong thành phố". Bên cạnh đó, hình thành trung tâm công nghệ sinh thái Tam Đa, xây dựng khu đô thị tương lai Trường Thọ sẽ biến khu cảng hiện hữu thành khu đô thị mới.
Theo đề xuất của Công ty Sasaki, các quận 2, 9 và Thủ Đức cần được tổ chức thống nhất thành một cơ quan hành chính duy nhất, theo mô hình chính quyền đô thị để điều phối phát triển. Từ đề xuất này, TPHCM đã chọn ý tưởng quy hoạch quận 2, 9 và Thủ Đức thành khu đô thị sáng tạo phía Đông có chức năng trọng điểm về tài chính, khoa học, giáo dục… Vì thế, TPHCM phải xin cơ chế đặc khu kinh tế để thu hút đầu tư và nhân tài cho khu đô thị sáng tạo.
Tại khu đô thị sáng tạo này, TP.HCM sẽ xây dựng những khu chức năng chính như: Trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm: Hạ tầng giao thông sẽ ưu tiên người đi bộ và tàu điện ngầm kết nối tất cả khu vực quan trọng. Lối đi ở bờ sông và sân các nhà thờ kết nối đường phố, thông suốt cho các hoạt động nghệ thuật, văn hóa, mua sắm.
Khu thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc: Hình thành khu sản xuất đồ thể thao, các trung tâm sáng tạo, chăm sóc sức khỏe và kiến tạo một không gian rộng lớn xung quanh sân vận động để hội tụ.
Trung tâm công nghệ cao Sài Gòn: Xây nhà ga tàu điện ngầm ở phía Bắc của khu vực kết nối với tất cả khu trung tâm khác.
Trung tâm công nghệ giáo dục (Đại học Quốc gia TPHCM): Tập trung tri thức cho việc nghiên cứu hợp tác giữa các trường đại học, các công ty nghiên cứu và phát triển, phòng thí nghiệm nghiên cứu.
Khu công nghệ sinh thái Tam Đa quận 9: Tập trung mảng công nghệ sinh thái, mang đến nhiều cơ hội sáng tạo và thực hành. Những khu vườn mưa, khu trường đại học, các trục chính phát triển và khu vực ven biển ngập mặn tạo môi trường phù hợp cho đổi mới nông nghiệp cũng như du lịch sinh thái.
Khu đô thị tương lai Trường Thọ: Được cải tạo từ khu cảng hiện hữu với hệ thống không gian mở có nhiều chức năng đa dạng. Tại đây cũng sử dụng vành đai giao thông khép kín để kết nối các khu vực khác nhau, dễ tiếp cận đến từng ngóc ngách, ưu tiên người đi bộ.
Cũng theo Công ty Sasaki, trong phát triển kinh tế, TP.HCM cần ưu tiên các nhóm ngành nghề hiện có và phát triển chiến lược các nhóm để hỗ trợ. Cụ thể, hợp tác với các công ty sản xuất phần cứng Bosh, Intel, Samsung, phát triển ngân hàng điện tử fintech để tận dụng sáng tạo công nghệ trong các hoạt động và dịch vụ tài chính và công nghệ phần mềm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, khi xây dựng đô thị sáng tạo, TP.HCM cần lưu ý đặt con người và xã hội vào trung tâm. Theo đó, đòi hỏi những hình thức tham gia của cộng đồng và cá nhân trong việc quyết định liên quan đến công dân trong tương lai. Chính việc tham gia kiến tạo cộng đồng thông minh nơi họ sinh sống, người dân sẽ được trau dồi nhiều hơn và tiếp tục cống hiến, định hình cộng đồng sáng tạo.
Bên cạnh đó, nhiều ý tưởng hay, sáng tạo cũng đang được các nhà khoa học đề xuất nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc của TPHCM hiện nay và trong tương lai. Chẳng hạn, ý tưởng về tầm nhìn với 5 mục tiêu chiến lược TP.HCM cần duy trì, như phát triển công nghiệp đi liền với tiến bộ xã hội; xây dựng 4 điểm đến tương tác, tăng trưởng dựa trên liên kết, nguồn dự trữ sinh thái, nguồn nhân lực tri thức cao;
Xây dựng một viễn cảnh sống động và sáng tạo để giải quyết bài toán ngập lụt của TP.HCM trong tương lai; xây dựng các nguyên tắc chỉnh trang, nâng cao chất lượng sống khu dân cư hiện hữu và chiến lược cải thiện giao thông; gợi mở những suy nghĩ về chiến lược sử dụng khu cảng Cát Lái trong tương lai.