Bộ Tài chính cho biết, có 12 Bộ và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 80% trong năm 2022.
Một số Bộ có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Hội Nhà văn (100%), Thanh tra Chính phủ (100%), Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam (100%), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (99,47%), Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (92,62%).
Cùng với đó, 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước năm 2022 gồm có: Ninh Bình (96,7%), Hà Nam (94,3%), Bình Định (93,6%), Kiên Giang (90,6%), Phú Thọ (90,3%), Quảng Ngãi (89,8%), Tây Ninh (88,8%), Tiền Giang (87,5%), Lào Cai (87,2%) và Hậu Giang (86,7%).
Xét riêng 5 thành phố trực thuộc TW, Hải Phòng đang có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cao nhất (77,07%), tiếp đến là Đà Nẵng (66,22%), Cần Thơ (50,88%), Hà Nội (47,87%), và TP. HCM (27,25%).
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của 5 thành phố trực thuộc TW năm 2022. Nguồn: Bộ Tài Chính
.Theo đó, Hải Phòng là thành phố trực thuộc TW duy nhất có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 70%. Cụ thể, giải ngân vốn đầu tư công của Hải Phòng khoảng 9.804 tỷ đồng, đạt 77,07% so với kế hoạch trong năm 2022.
Theo Cổng thông tin điện tử TP. Hải Phòng, năm 2022, thành phố Hải Phòng chỉ tập trung triển khai thực hiện từ 7 đến 10 dự án trọng tâm, trọng điểm.
Đồng thời, ngay từ đầu năm 2022, lãnh đạo UBND thành phố đã chủ trì nhiều cuộc họp, triển khai đồng bộ các giải pháp, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công và đặc biệt chú trọng đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Cụ thể, ưu tiên bố trí vốn thực hiện Dự án theo nguyên tắc: bố trí 100% chi phí GPMB và 80% chi phí xây lắp.
Cùng với đó, Hải Phòng đưa ra thời hạn cho các dự án đầu tư công như sau: Dự án nâng cấp, cải tạo đường 359 (huyện Thủy Nguyên) phải thông xe kỹ thuật trước Tết Nguyên đán 2023; dự án cải tạo quốc lộ 10 đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền phải hoàn thành phần đường trong quý 2/2023; đến 30/4/2023, hoàn thành các dự án tuyến đường nối từ cầu Lạng Am Lý Học đến tuyến đường bộ ven biển, dự án đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng từ đường tỉnh 353 đến cầu Thái Bình…
Một số dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 2 thành phố Hải Phòng, đoạn nút giao Tân Vũ - Hưng Đạo - đường Bùi Viện; dự án đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352... cũng phải nhanh chóng hoàn thành thủ tục đầu tư.
Tuy nhiên, UBND TP. Hải Phòng cho biết, tình hình chung về giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kết quả như mong muốn. Trên thực tế, có nhiều lý do khách quan nên đã ảnh hưởng nhiều tới giải ngân đầu tư công.
Cụ thể, kết quả thu của nguồn thu tiền sử dụng đất chậm và không phát hành được nguồn trái phiếu chính quyền địa phương dẫn đến phải giãn hoãn giải ngân.
Theo Cổng thông tin điện tử TP. Hải Phòng, năm 2022, có quá nhiều biến động về chi phí xây dựng dẫn đến một số nhà thầu thi công với tâm lý cầm chừng, chờ điều chỉnh giá, hợp đồng. Cùng với đó, tiến độ GPMB một số dự án chậm do vướng mắc về thủ tục (như dự án xây dựng mở rộng sân bay Cát Bi có phần lớn diện tích thu hồi là đất quốc phòng nên thủ tục thu hồi đất khá phức tạp, kéo dài).