Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Việt Nam hiện có 88,5 triệu tài khoản ngân hàng. Riêng hệ thống thanh toán của NHNN xử lý 17 tỷ USD/ngày. Đến cuối năm 2019, giao dịch qua kênh internet tăng 64% về số lượng và 37% về giá trị.
Cũng theo NHNN, có đến 65% giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đã được miễn và giảm phí trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát vừa qua. Cá biệt, có ngân hàng đã giảm phí giao dịch từ 7.000 đồng/lượt xuống còn 0 đồng, trên 50% ngân hàng đã giảm phí. Hiện, tỷ trọng các giao dịch không dùng tiền mặt dưới 2 triệu đồng chiếm đến 70% giao dịch thanh toán.
Hệ thống thanh toán trực tuyến của Ngân hàng Nhà nước xử lý 17 tỷ USD/ngày. (Ảnh minh họa: KT)
Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN đánh giá, TTKDTM đã có sự thay đổi rất lớn khi mọi thứ đều “lên mạng” hay trực tuyến. Nếu như trước đây, không có chuyện ngân hàng chịu trách nhiệm về những giao dịch nhỏ như: cân gạo, cân thịt của người tiêu dùng thì hiện giờ, người tiêu dùng đã đặt hàng qua ngân hàng và ngân hàng chịu trách nhiệm về những giao dịch này.
Chia sẻ về tốc độ tăng trưởng của hình thức TTKDTM, ông Nguyễn Đăng Hùng - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, hiện nay, NAPAS xử lý 2,8 triệu giao dịch/ngày, tức gần 21.000 tỷ đồng/ngày, tương ứng gần 1 tỷ USD.
Theo NHNN, trong tháng 6, Chính phủ sẽ ban hành nghị định mới về TTKDTM. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc phải làm để phương thức thanh toán này trở nên phổ biến hơn, thao tác dễ hơn và nhanh hơn để người lớn tuổi, người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng có thể thực hiện dễ dàng.
Với phương châm lấy khách hàng làm trọng tâm, ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 làm nhân tố quyết định, để phát triển TTKDTM thời gian tới, NHNN tiếp tục xây dựng, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động động thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số.../.