Thanh toán tiền mặt tăng trưởng mạnh
Tại họp báo công bố chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt năm 2024 diễn ra ngày 28/05/2024 do Báo Tuổi trẻ phối hợp Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức, ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết trong 5 năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của thanh toán không dùng tiền mặt, đem lại nhiều lợi ích tiện nghi.
Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt có sự tăng trưởng mạnh mẽ, cụ thể: Số lượng giao dịch thanh toán qua kênh Internet và Mobile bình quân giai đoạn 2021-2023 lần lượt tăng trưởng ở mức 52% và 103,3%; Tăng trưởng về số lượng và giá trị thanh toán qua phương thức QR Code đạt hơn 170%.
Đến hết 2023, Việt Nam có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân và có 87,08% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán. Về mở tài khoản qua phương thức eKYC, 40 ngân hàng báo cáo đã triển khai chính thức với gần 35 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động…
Số liệu 4 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 cho thấy, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt có mức tăng trưởng khá: Giao dịch không tiền mặt tăng 57,11% về số lượng và 39,49% về giá trị; qua kênh Internet tăng 47,48% về số lượng và 30,20% về giá trị; qua kênh điện thoại di động đạt tăng 59,26% về số lượng và 35,91% về giá trị. Giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 14,15% về số lượng và giảm 7,84% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy xu hướng dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt.
Về đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho hoạt động thanh toán, NHNN cũng đã thường xuyên có các văn bản chỉ đạo toàn ngành về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán, trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán rà soát quy trình, quy định nội bộ. Ưu tiên áp dụng mở tài khoản thanh toán/ví điện tử bằng phương tiện điện tử (eKYC) đối với khách hàng sử dụng căn cước công dân gắn chip. Tăng cường công tác quản lý rủi ro, thực hiện hậu kiểm 100% đối với các tài khoản/ví điện tử mở bằng eKYC…
Ngoài ra, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức kiểm tra về an toàn hệ thống thông tin và hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại nhiều tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, đồng thời triển khai Đề án 06 ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ cho công tác làm sạch dữ liệu, xác minh thông tin khách hàng thông qua căn cước công dân gắn chip, tài khoản VneID và hỗ trợ trong việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Nâng cao dân trí quốc gia về tài chính dể giảm thiểu rủi ro
Bên cạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phát triển thì tình trạng mất an toàn, bảo mật cũng đang diễn ra nhiều hơn. Nói về vấn đề này, lãnh đạo Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, hệ thống ngân hàng được bảo mật rất chặt chẽ nên kẻ gian không thể đột nhập và lừa đảo tiền từ tài khoản của người dân mà tất cả đều thông qua các yếu tố phi kỹ thuật.
Chính vì vậy, truyền thông là tuyến bảo vệ đầu tiên để người dân có kiến thức để phòng ngừa rủi ro. Thứ hai là trách nhiệm của các tổ chức cung ứng dịch vụ, tăng cường bảo mật hệ thống, chủ động có giải pháp kỹ thuật để phòng ngừa hacker.
Tuyến tiếp theo là sự vào cuộc của các bộ ban ngành. Hiện Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nươccs được kỳ vọng sẽ xử lý được căn cơ các tình trạng lừa đảo, ngăn chặn luân chuẩn dòng tiền bẩn thông qua các hình thức như yêu cầu xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch trên 10 triệu đồng, bảo mật OTP…
Tham dự buổi họp báo, bà Lê Thị Thúy Sen – Vụ trưởng Vụ Truyền thông (NHNN) cho biết nhiệm vụ của truyền thông giáo dục tài chính là để "không ai bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính", nâng cao nhận thức của công chúng về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, đẩy lùi tín dụng đen.
Thông qua các chương trình truyền thông, nhận thức và thói quen của người dân về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đã có nhiều thay đổi, nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, từ đó góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cũng cho biết, thực tế đa phần những vụ việc xảy ra là yếu tố phi kỹ thuật, không phải do bản thân dịch vụ thanh toán mà đều đánh vào tâm lý người dùng dịch vụ. Kẻ gian thông qua lòng tham hoặc nỗi sợ hãi để người dân thực hiện những giao dịch thanh toán thật thông qua hệ thống ngân hàng.
Hiện nay các ngân hàng đã có triển khai các hệ thống để nhận biết các hành vi đặc thù, cảnh báo khách hàng. NAPAS cũng đã phối hợp với các ngân hàng để soạn thảo Bộ quy trình phối hợp, ứng phó kịp thời trong các tình huống liên quan.
Về phía các ngân hàng thương mại, đại diện Ngân hàng ACB tiết lộ các ngân hàng đã phải đầu tư không hề nhỏ cho các hệ thống bảo mật nhưng đây là khoản đầu tư "đáng đồng tiền". Khi khách hàng được bảo vệ thì sẽ sử dụng các dịch vụ của ngân hàng, các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn. Đồng thời, đại diện ACB cũng khẳng định, trong thời gian tới, việc áp dụng Quyết định 2345 sẽ không hề ảnh hưởng tới trải nghiệm của khách hàng trong khi độ an toàn bảo mật được nâng cao đáng kể.