Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật kết quả của hoạt động thanh toán, đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán dịch vụ công. Theo đó, trong Quý III/2020 thanh toán không tiền mặt tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh, góp phần giải quyết những khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.
Thanh toán qua di động tăng vọt giữa Covid-19
Trong 7 tháng đầu năm 2020, tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống Thanh toán Điện tử liên ngân hàng đạt 82,2 triệu món, giá trị đạt 59,1 triệu tỷ đồng, tăng 13,61% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019. Hệ thống chuyển mạch bù trừ các giao dịch bán lẻ đạt 606,3 triệu món và đạt 4,9 triệu tỷ đồng, tăng 74,07% về số lượng và tăng 106,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Số lượng giao dịch thanh toán qua thẻ đạt gần 205,6 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 475,9 nghìn tỷ đồng, tăng tương ứng 29,7% và 15,8% so với cùng kỳ năm 2019; số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt 240,9 triệu giao dịch với giá trị đạt 15,2 triệu tỷ đồng, tăng 39,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019; số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt 574,4 triệu giao dịch với giá trị đạt 5,9 triệu tỷ đồng, tăng 184,2% về số lượng và 186,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Thẻ ngân hàng tiếp tục phát triển, đến cuối tháng 7 năm 2020, số lượng thẻ đang lưu hành đạt mức 107,7 triệu thẻ, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Vụ Thanh toán cho biết, để đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, an ninh, độ an toàn và tăng thêm tiện ích sử dụng thẻ, NHNN đã và đang đôn đốc các đơn vị thực hiện đúng tiến độ Kế hoạch chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip tại Việt Nam; dự kiến đến cuối năm 2021, sẽ hoàn thành việc chuyển đổi sang thẻ chip đối với toàn bộ thẻ nội địa.
Thanh toán dịch vụ công tiếp tục được triển khai rộng rãi. Các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang tích cực triển khai kết nối thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương...
100% các ngân hàng miễn, giảm phí cho khách hàng khi giao dịch
Cũng theo Vụ Thanh toán, trong thời gian qua, các NHTM tiếp tục triển khai nhiều chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trực tuyến nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19.
Đối với phí chuyển tiền liên ngân hàng qua hệ thống TTĐTLNH: tất cả các ngân hàng đã thực hiện điều chỉnh giảm phí chuyển tiền qua hệ thống TTĐTLNH cho khách hàng tương đương với số tiền giảm phí mà NHNN đã giảm theo Thông tư 04/2020/TT-NHNN .
Đối với phí chuyển tiền liên ngân hàng qua hệ thống 24/7 của Napas: có 45/45 ngân hàng đã thực hiện chính sách miễn/giảm phí cho khách hàng đối với các giao dịch giá trị nhỏ (từ 2 triệu đồng trở xuống). Theo đó, khoảng 63% giao dịch thanh toán của khách hàng qua Napas được miễn hoặc giảm phí; Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng.
Đồng thời, 100% TCTD đều thực hiện miễn phí đối với các giao dịch công trực tuyến; các giao dịch chuyển tiền ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19; các giao dịch chuyển tiền cho đối tượng nhận hỗ trợ thông qua phương thức chi trả trực tiếp tới tài khoản; các giao dịch chuyển tiền giải ngân cho vay người sử dụng lao động trả lương ngừng việc đối với người lao động của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo Vụ Thanh toán NHNN, có thể thấy, các chính sách miễn giảm phí dịch vụ thanh toán đã được NHNN và các TCTD chủ động và triển khai kịp thời, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến và góp phần hỗ trợ người dân/doanh nghiệp đối phó với dịch bệnh cũng như góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân.