Thanh tra Chính phủ kiến nghị khởi tố điều tra vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG

14/03/2018 23:03
Ngày 14/3, Thanh tra Chính phủ chính thức ra thông báo kết luận thanh tra toàn diện Dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của AVG.

Mobifone để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm

Theo Thanh tra Chính phủ, nội dung nhằm thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).

Trong đó bao gồm tất cả các giai đoạn trong quá trình thực hiện dự án: việc đề xuất đầu tư, lập dự án đầu tư; việc trình, phê duyệt dự án đầu tư; việc thực hiện dự án và hiệu quả đầu tư.

Theo Thanh tra CP, dự án này có tổng mức đầu tư là 8.900 tỷ đồng, theo quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật Đầu tư  thì Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

Và theo quy định tại Khoản 4 Điều 28 Luật số 69/2014/QH13 thì Bộ TTTT là Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, có thẩm quyền xem xét, phê duyệt dự án đầu tư.

Quá trình thực hiện dự án đầu tư, Thanh tra Chính phủ xác định Mobifone để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm từ việc đề xuất đầu tư, đánh giá thực trạng tài chính kinh doanh của công ty AVG.

Cụ thể, Thanh tra CP xác định, thực trạng tài chính, hoạt động kinh doanh của AVG từ khi thành lập đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để mua bán cổ phần là rất khó khăn, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 31/3/2015 là rất xấu, tổng tài sản là 3.260,686 tỷ đồng; nợ phải trả là 1.266,826 tỷ đồng.

Giá trị còn lại của tài sản cố định là 208,589 tỷ đồng; từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá liên tục lỗ, số lỗ luỹ kế đến 31/3/2015 là 1.632,909 tỷ đồng (bằng 45% vốn điều lệ).

AVG sử dụng vốn cho kinh doanh dịch vụ truyền hình chủ yếu là vốn vay và vốn chiếm dụng; vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn (đến 31/3/2015 đầu tư ra ngoài doanh nghiệp 2.659,907 tỷ đồng, chiếm 73,3% vốn điều lệ).

Đáng chú ý là việc đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình để mua lại cổ phần tại Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh và Công ty cổ phần An Viên B.P với số tiền 2.473,2 tỷ đồng (bình quân cao gấp 13 lần so với vốn đầu tư ban đầu của các cổ đông là 189,6 tỷ đồng, các cổ đông này đã thanh toán bù trừ với việc mua cổ phần do AVG phát hành để tăng vốn điều lệ, các cổ đông của 2 công ty này cũng là cổ đông của AVG).

"Việc AVG đầu tư 02 khoản ngoài lĩnh vực truyền hình nêu trên tiềm ẩn rủi ro về tài chính, có dấu hiệu bất thường, nhưng Mobifone vẫn mua 2 khoản đầu tư này, cần được tiếp tục làm rõ. Từ đó, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có liên quan các biện pháp xử lý, cụ thể", kết luận nêu.

Kết luận cũng khẳng định: "Khi báo cáo đề xuất đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phần AVG và lập Dự án đầu tư trình Bộ TTTT phê duyệt, Mobifone đã báo cáo không trung thực, không đầy đủ, đánh giá không đúng thực trạng tài chính rất xấu của AVG.

Thậm chí còn đánh giá khả quan về tình hình tài chính, kinh doanh của AVG như sau: "Từ năm 2012 đến năm 2014 thì doanh thu AVG tăng, lợi nhuận gộp đang tăng dần (dù đến nay vẫn đang lỗ kế hoạch), các chỉ số đều thể hiện sự tăng trưởng..." là vi phạm quy định tại Khoản 6 Điều 9 Luật số 69/2014/QH13 về hành vi bị cấm trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: "Cung cấp thông tin, báo cáo không trung thực, không chính xác, không đầy đủ, không kịp thời theo quy định của pháp luật".

Trách nhiệm thuộc về HĐTV, Chủ tịch và thành viên HĐTV Mobifone".

Mobifone làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc lựa chọn tư vấn thẩm định giá; nghiệm thu kết quả thẩm định giá; việc sử dụng kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trong đàm phán mua cổ phần AVG.

Cụ thể, trong việc lựa chọn tư vấn thẩm định giá trị AVG và tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, Mobifone đã có những khuyết điểm, vi phạm quy định của Luật Đấu thầu.

Trách nhiệm thuộc về Ban Phát triển mạng lưới, Ban Đầu tư, Tổ chuyên gia đánh giá Hồ sơ đề xuất và Tổng Giám đốc Mobifone.

Mặc dù kết quả thẩm định giá trị AVG của các đơn vị tư vấn không khách quan, không đảm bảo cơ sở pháp lý và độ tin cậy; vi phạm quy định các tiêu chuẩn thẩm định giá; giới hạn không đúng nhiều nội dung quan trọng, nhất là về cơ sở, tính khả thi của nguồn số liệu kế hoạch giai đoạn 2015 - 2020 của AVG mà đơn vị tư vấn đã sử dụng để xác định giá trị AVG; đáng chú ý là AMAX đã sử dụng số liệu đầu vào bất hợp pháp, không có cơ sở để tính "giá trị tài sản vô hình ngoài Bảng cân đối kế toán",… nhưng Mobifone đã nghiệm thu kết quả thẩm định giá; nhận xét, đánh giá kết quả thẩm định giá của AMAX "tuân thủ các tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam", thể hiện thiếu trách nhiệm.

Tổng số tiền theo hợp đồng mà Mobifone đã ký với 2 công ty tư vấn là 3,19 tỷ đồng; đã chi số tiền 1,54 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Mobifone.

 Thanh tra Chính phủ kiến nghị khởi tố điều tra vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG - Ảnh 1.

Khi đàm phán giá mua cổ phần, Mobifone sử dụng kết quả thẩm định giá do AMAX xác định giá trị AVG là 16.565 tỷ đồng để đàm phám giá mua cổ phần mà không trừ các khoản nợ phải trả 1.134 tỷ đồng, riêng việc làm này gây thiệt hại 1.134 tỷ đồng; AMAX đã sử dụng số liệu đầu vào không có cơ sở để xác định "Giá trị tài sản vô hình ngoài Bảng cân đối kế toán là 13.448 tỷ đồng".

Sau khi loại trừ giá trị tài sản vô hình 13.448 tỷ đồng và loại trừ nợ phải trả 1.134 tỷ đồng thì giá trị vốn chủ sở hữu của AVG tại thời điểm 31-3-2015 chỉ là 1.983 tỷ đồng (chưa tính đến việc định giá lại giá trị thực của các khoản AVG đã đầu tư tài chính ra ngoài doanh nghiệp); so với giá mua 95% cổ phần AVG là 8.889,815 tỷ đồng cho thấy nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó: Mobifone thiệt hại 1.134 tỷ đồng do mua nợ phải trả của AVG.

Trách nhiệm thuộc về HĐTV, Chủ tịch HĐTV, Ban Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, bộ phận đàm phán, các bộ phận liên quan thuộc Mobifone.

Vi phạm của một số Bộ, ngành liên quan

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng xác định một số Bộ, ngành liên quan cũng có những khuyết điểm, vi phạm trong vụ việc này.

Cụ thể, Bộ TTTT với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu và quản lý Nhà nước về thông tin, truyền thông đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định Dự án; phê duyệt dự án đầu tư không đảm bảo căn cứ pháp lý, vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước, cần phải được xem xét, hủy bỏ.

Ngoài ra, Bộ TTTT đề nghị Bộ Công an có ý kiến về nhiều nội dung không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an, thậm chí thuộc lĩnh vực của các Bộ quản lý chuyên ngành (về chủ trương đầu tư, trình tự, thủ tục đầu tư; về vấn đề giá mua cổ phần, hiệu quả đầu tư của Dự án…) để xin ý kiến của Bộ Công an là không đúng quy định của pháp luật.

Cùng với đó, Bộ Công an không có chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đầu tư, tài chính nhưng có văn bản gửi Bộ TTTT có nội dung: "Bộ Công an đánh giá quá trình, quy trình thực hiện Dự án do Bộ TTTT chỉ đạo là thận trọng, chặt chẽ, tuân thủ các quy định pháp luật; có điều kiện và cơ sở để giải quyết các vấn đề về an ninh như Bộ Công an đã nêu.

Phương án Mobifone đầu tư 8.898,3 tỷ đồng mua 95% cổ phần của Công ty AVG như trong Công văn số 235/BTTTT-QLDN ngày 18/12/2015 của Bộ TTTT đã thấp hơn so với định giá của các đơn vị định giá…".

TTCP cho rằng, các ý kiến nêu trên của Bộ Công an là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò, nhiệm vụ chủ trì thẩm định, lập báo cáo thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13, nhưng đã không hướng dẫn Bộ TTTT và Mobifone thực hiện dự án đầu tư theo quy định.

Bộ Tài chính có trách nhiệm quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài chính, liên quan trực tiếp đến việc thực hiện cổ phần hóa Mobifone đã không kịp thời đưa ra những phân tích, đánh giá, đề xuất đầy đủ, toàn diện về những tác động trực tiếp từ việc Mobifone bỏ số vốn rất lớn để đầu tư Dự án (8.889,815 tỷ đồng, chiếm gần 60% Vốn điều lệ của Mobifone) ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình cổ phần hóa, trong đó có việc hiện thực hóa số thu của Nhà nước khi bán cổ phần Mobifone…

Đề nghị khởi tố điều tra

Từ kết luận Thanh tra, Thanh tra Chính phủ đề nghị Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý hành chính:

Đối với Mobifone: Căn cứ Kết luận thanh tra và kết luận xử lý của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, Bộ TTTT chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với Chủ tịch HĐTV, các thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng, bộ phận đàm phán mua cổ phần và các bộ phận có liên quan về những vi phạm.

Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ TTTT xem xét, hủy bỏ Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21/12/2015 Phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone; giao Bộ TTTT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan chỉ đạo Mobifone xử lý theo quy định của pháp luật những vấn đề phát sinh sau khi hủy bỏ Quyết định phê duyệt dự án đầu tư.

Căn cứ kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TTTT kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 2 Bộ này tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm.

Đối với Văn phòng Chính phủ: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Văn phòng Chính phủ tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân thuộc Văn phòng Chính phủ có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm.

Đối với Bộ Công an: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Công an trong việc tham mưu ban hành 3 văn bản tham gia ý kiến với Bộ TTTT.

Thanh tra Chính phủ chuyển Kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương quản lý có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu tại kết luận thanh tra.

Đối với các công ty tư vấn: Căn cứ kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính chủ trì xử lý hoặc chỉ đạo xử lý theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực thẩm định giá đối với các công ty tư vấn, các thẩm định viên về những khuyết điểm, vi phạm trong việc thẩm định giá trị AVG, tư vấn mua cổ phần AVG.

Về xử lý kinh tế: Theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và quy định của pháp luật, Bộ TTTT và Mobifone chịu trách nhiệm xử lý, thu hồi số tiền mà Mobifone đã thanh toán trong việc mua 95% cổ phần AVG; thực hiện các kết luận, xử lý của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Truy thu từ Mobifone, nộp vào NSNN về Thuế thu nhập doanh nghiệp số tiền 1,3 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐTV; Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tài chính - Kế toán của Mobifone chịu trách nhiệm xử lý, thu hồi số tiền 1,54 tỷ đồng chi phí tư vấn đã chi cho 02 công ty tư vấn (AMAX và VCBS).

Thanh tra Chính phủ cũng xác định: "Đây là vụ việc kinh tế rất nghiêm trọng, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Giao cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công an tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu thanh tra Dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần AVG để xem xét, khởi tố điều tra, xử lý đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật".

Tin mới

Mở bán vàng nhẫn không giới hạn, cửa hàng vẫn bất ngờ vắng khách
8 giờ trước
Giá vàng nhẫn sáng nay giảm mạnh, các cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) mở bán không giới hạn nhưng không khí giao dịch lại bất ngờ trầm lắng.
Campuchia vừa đạt dấu mốc quan trọng, một ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có thêm đối thủ cạnh tranh
7 giờ trước
Lãnh đạo Campuchia gọi đây là “sự kiện trọng đại”.
Giá vàng tăng sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế hàng Trung Quốc
7 giờ trước
Hôm nay (26/11), giá vàng ổn định sau khi giảm 3% trong phiên trước. Giới đầu tư tìm đến vàng là nơi trú ẩn an toàn sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế tất cả hàng nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc.
Mặt hàng tỉ USD của Việt Nam bất ngờ có kỳ tích mới: Sở hữu giá bán đắt đỏ nhất thế giới, gần 160 quốc gia, vùng lãnh thổ săn đón
6 giờ trước
Giá gạo Việt Nam duy trì mức cao nhất thế giới, vượt qua các quốc gia xuất khẩu lớn.
iPhone 17 Pro bất ngờ lộ diện với thiết kế mới hoàn toàn?
5 giờ trước
Theo The Information, iPhone 17 Pro và iPhone 17 Pro Max sẽ có thiết kế mới, đánh dấu bước ngoặt trong dòng sản phẩm cao cấp của Apple.

Tin cùng chuyên mục

Nóng: Novaland đạt thỏa thuận gia hạn 2 lô trái phiếu đầu tiên
24/03/2023 12:39
Lần đầu tiên, Novaland đạt thỏa thuận với trái chủ trong việc gia hạn thời gian đáo hạn với 2 lô trái phiếu có tổng giá trị 1.750 tỷ đồng.
Startup xe đạp trợ lực Wiibike của nữ CEO xinh đẹp từng được Shark Phú "săn đón" hiện kinh doanh ra sao?
24/03/2023 10:47
Sau 1 năm lên sóng Shark Tank mùa 4, Startup Wiibike của nữ CEO xinh đẹp Thu Hằng đã tăng doanh thu hơn 6 lần. Công ty này cũng mở nhượng quyền mô hình cà phê xe đạp.
Cơn đau đầu của Starbucks: Khách hàng chỉ 'tự thưởng' ly cà phê giá 100.000 đồng 1 lần/tuần, chịu thua trước những chuỗi bán giá 17.000 đồng/ly
24/03/2023 09:39
Starbucks đang ở trong cuộc chiến giá khốc liệt khi cà phê của họ được liệt vào dạng "bán xa xỉ".
Con đường nào đưa Toshiba từ biểu tượng về thiết bị điện tử, năng lượng hạt nhân... đến bán mình, hủy niêm yết?
24/03/2023 09:02
Không chỉ tại Việt Nam mà ở nhiều nơi trên toàn thế giới, cái tên Toshiba là sự đảm bảo cho chất lượng của những sản phẩm điện máy. Với lịch sử gần 150 năm tuổi, Toshiba đã gây dựng được thương hiệu của mình ở khắp nơi.