Đối tượng lạ mặt chiếm đất công viên
Thanh tra TPHCM vừa có văn bản gửi UBND TPHCM về việc xử lý thông tin phản ánh của cơ quan báo chí liên quan tình trạng “xẻ thịt” đất tại khu Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc ở quận 9.
Theo Thanh tra TPHCM, thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, đơn vị đã tổ chức buổi làm việc với đại diện UBND quận 9 và Ban Quản lý Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc. Qua rà soát, Thanh tra TPHCM nhận thấy việc cho các doanh nghiệp thuê đất trong dự án để kinh doanh, Ban Quản lý Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc đã thực hiện việc thanh lý và thu hồi đất đối với 19 trường hợp cho thuê mặt bằng.
Một doanh nghiệp thuê đất ở dự án Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc vừa bị thanh lý hợp đồng.
Về việc xử lý 11 trường hợp lấn chiếm, sử dụng đất trái phép, UBND quận 9 đã ban hành 11 Quyết định xử phạt hành chính đối với các trường hợp này. Sau đó tiếp tục ban hành 11 Quyết định cưỡng chế thực hiện Quyết định xử phạt hành chính. Đến nay, UBND quận 9 đã hoàn tất công tác cưỡng chế đối với 11 trường hợp và bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc để quản lý, sử dụng theo quy định.
Đối với các đơn vị chưa bàn giao hoặc bàn giao một phần mặt bằng, Ban Quản lý Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc đã nhiều lần mời làm việc và tống đạt thông báo bằng đơn vị thừa phát lại nhưng các đơn vị không hợp tác, cố tình trì hoãn, kéo dài thời gian và gây khó khăn trong công tác thu hồi mặt bằng.
Ngoài ra, có 2 đối tượng lạ mặt tới chiếm đất trống trên đường Hàng Tre, Ban Quản lý Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc đã kiểm tra, phát hiện và có văn bản đề nghị UBND quận 9 và UBND phường Long Bình hỗ trợ xử lý. Sau đó, UBND phường Long Bình đã ra Quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với 2 trường hợp này nhưng đối tượng chiếm đất không chấp hành và vẫn tiếp tục sử dụng trái phép.
Đối với các hộ dân đã nhận bồi thường nhưng chưa bàn giao mặt bằng mà tiếp tục sử dụng nhà, đất hoặc tái chiếm để ở và cho thuê, theo báo cáo của UBND quận 9, đến nay còn lại 279 hộ dân và 1 tổ chức chưa thu hồi mặt bằng, diện tích khoảng 15,41ha, chiếm tỷ lệ 4,1%. UBND quận 9 đã rà soát, phân loại 279 trường hợp để triển khai kế hoạch thu hồi đất như đề xuất phương án thu hồi mặt bằng, tổ chức tiếp xúc, đối thoại với người dân…
Đất công viên thành xưởng gỗ, bãi xe
Thanh tra TPHCM kiến nghị UBND TPHCM giao UBND quận 9 và Ban quản lý Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc khẩn trương thực hiện dứt điểm các nội dung chỉ đạo của UBND TPHCM tại Thông báo số 654/TB-VP ngày 27/9/2019 của Văn phòng UBND TPHCM về xử lý Kết luận thanh tra số 25/KL-TTTP-P5 ngày 17/7/2018 của Thanh tra TPHCM về việc thanh tra công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và quản lý, sử dụng đất thuộc dự án Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc.
Đồng thời, giao UBND quận 9 tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với 279 hộ dân và 1 tổ chức chưa bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án; phối hợp với Ban Quản lý Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc có biện pháp xử lý, thu hồi đất đối với trường hợp đối tượng lạ mặt chiếm đất đã có quyết định xử lý vi phạm hành chính nhưng đối tượng không chấp hành.
Mặt khác, giao Ban Quản lý Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc chủ trì, phối hợp với UBND quận 9 và các sở, ngành có liên quan như Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Giao thông Vận tải để có biện pháp cụ thể để xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong khu vực dự án Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc, thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ đất không để phát sinh trường hợp lấn chiếm mới.
Trước đó, như Tiền Phong đã phản ánh, không chỉ đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng, đã nhận bàn giao từ UBND quận 9 mà cả đất không khai thác cho thuê cũng bị chiếm dụng trái phép tại dự án Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc.
Cụ thể, có 294 hộ dân, tổ chức nằm trong khuôn viên dự án Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc không thực hiện bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp thuê đất tại đây chây ì không chịu trả lại mặt bằng.
Cụ thể, ông Lê Hoài Sơn lấn chiếm 2.000m2 đất thuộc Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc đã bị UBND phường lập biên bản xử phạt hành chính nhưng vẫn không nộp phạt mà vẫn tái chiếm sử dụng. Tại khu đất của ông này chiếm, hàng chục container với bãi gỗ đang tập kết tại đây.
Trong khi nhiều công ty kinh doanh gỗ, bãi cát và đá xây dựng… như Công ty CP Tiếp vận Mê Kông với diện tích cho thuê là 2,6ha, hết hạn hợp đồng thuê ngày 31/12/2018 và năm 2019 các cấp chính quyền 4 lần mời lên làm việc nhưng đến nay vẫn cố tình trì hoãn, kéo dài thời gian bàn giao mặt bằng. Đáng nói, đơn vị này còn đang tiếp tục tìm kiếm đối tác để cho thuê lại mặt bằng kinh doanh tại vị trí đất đang lấn chiếm.
Ngoài ra, Công ty TNHH Đầu tư sản xuất thương mại Ngọc Thành với diện tích thuê là 2,2ha, thời hạn thuê sáu tháng và đã hết hạn hợp đồng cuối năm 2018, cơ quan chức năng đã 4 lần mời lên làm việc nhưng đều vắng mặt và không có phản hồi, không chịu bàn giao mặt bằng.