Giờ đây, họ còn chuyển cả chuỗi cung ứng ra bên ngoài Trung Quốc do lo ngại tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại với Mỹ. Hai nước hiện đánh thuế lên số sản phẩm trị giá 50 tỉ USD và khoảng 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc khác có thể sắp bị Mỹ áp thuế.
"Với cuộc chiến thuế quan gần đây, các công ty không còn thấy háo hức với việc sản xuất tại Trung Quốc nữa" - ông Nathan Resnick, Giám đốc điều hành Công ty khởi nghiệp Sourcify, nhận định với tạp chí Forbes. Sourcify là nền tảng sản xuất kết nối trực tiếp khách hàng với các nhà máy ở nước ngoài và hiện có văn phòng TP San Diego - Mỹ và TP Quảng Châu - Trung Quốc.
Ông Resnick nhận định chi phí nhân công tại một số nước như Ấn Độ, Bangladesh, Mexico, Philippines thấp hơn cả Trung Quốc trước khi cuộc chiến thương mại nổ ra. Giờ đây, theo ông Resnick, biện pháp thuế quan của Mỹ khiến không ít công ty cảm thấy không có lợi gì khi sản xuất tại Trung Quốc.
Một cơ sở may ở tỉnh An Huy – Trung Quốc Ảnh: REUTERS
Công ty giao nhận vận tải Kerry Logistics Network (thuộc sở hữu của tỉ phú người Malaysia Robert Kuok) là một trong những doanh nghiệp đang hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Theo tờ South China Morning Post, nhiều khách hàng của công ty này đã chuyển một phần hoạt động sản xuất của họ từ Trung Quốc sang các nước ASEAN hoặc vận chuyển thành phẩm đến Mỹ để né biện pháp thuế quan của Mỹ. Nhờ vậy, nhu cầu sử dụng dịch vụ của công ty đang tăng.
Ông William Ma Wing-kai, Giám đốc điều hành Kerry Logistics Network, nhận định việc chuyển đổi nơi sản xuất đang diễn ra nói trên sẽ dẫn đến sự tăng trưởng thương mại tại Việt Nam, Malaysia, Myanmar, Lào - bắt đầu từ nửa cuối năm nay. Theo ông William, xu hướng này sẽ kéo dài trong nhiều năm tới, ảnh hưởng đôi chút đến hoạt động của họ ở Trung Quốc nhưng được bù đắp bởi sự tăng trưởng ở những nước châu Á khác.
Trong khi đó, trả lời truyền thông Anh gần đây, ông Steve Bannon, cựu chiến lược gia trưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho rằng những chính sách dân tộc chủ nghĩa của Nhà Trắng nhằm tìm cách vẽ lại bản đồ các chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng có lợi cho ngành sản xuất Mỹ.