Trao đổi nhanh với chúng tôi, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa - chuyên gia quen thuộc với người trong giới kinh doanh nhà đất nêu lên 3 khó khăn chính và 2 vấn đề phụ cần hỗ trợ xử lý trên thị trường hiện nay…
Ông có đánh giá gì về Quyết định số 1435 ngày 17/11 thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp?
Theo tôi việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để đánh giá, hỗ trợ giải quyết khó khăn cho thị trường là hành động kịp thời, đúng lúc.
Vì hiện nay bất động sản nói chung không có lối thoát về mặt giao dịch, room tín dụng, nguồn vốn rất khó khăn. Cần có sự hỗ trợ của tất cả các ngành chứ không riêng lĩnh vực nào đó, không riêng Bộ Xây dựng tháo gỡ về mặt pháp lý, hay không riêng ngân hàng hỗ trợ về mặt tài chính, mà rất cần sự vào cuộc của nhiều bộ ban ngành hỗ trợ cho thị trường bất động sản đi lên một cách lành mạnh, minh bạch hơn.
Ông có thể chia sẻ nhận diện của mình về các khó khăn lớn hiện nay trên thị trường bất động sản?
Khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là nguồn tiền, về vốn. Theo đó thứ nhất phải giải quyết được câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản. Đối với doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, hoặc một số doanh nghiệp có tài sản đảm bảo, có thể chúng ta vào hỗ trợ xử lý, nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả người mua trái phiếu, đồng thời ổn định thị trường.
Thứ hai về mặt ngân hàng, hiện mở room tín dụng cũng khó, nếu có mở thì cũng khó rót tiền tới doanh nghiệp bất động sản, bởi doanh nghiệp bất động sản không thuộc đối tượng ưu tiên. Bản thân các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh sản xuất khác hiện đang gặp nhiều khó khăn về vốn.
Do đó, theo tôi, nếu hỗ trợ tín dụng liên quan bất động sản thì nên hỗ trợ cho người mua nhà có nhu cầu thật là tốt nhất.
Thứ ba về mặt lãi suất cho vay. Tôi nghĩ lãi suất là chính sách chung của Chính phủ, làm sao kéo lãi suất cho vay về khoảng 12% là hợp lý, hiện nay lãi suất ở một số ngân hàng lên tới 16% thì khó làm được gì.
Ngoài ra, hai vấn đề phụ khác cần được giải quyết trên thị trường bất động sản hiện nay.
Thứ nhất là về mặt pháp lý, nên đưa ra những chính sách giải quyết liên quan tới đất công. Cụ thể cần đơn giản hóa thủ tục về cấp phép xây dựng đối với các dự án. Theo đó, vướng mắc khó khăn giữa chủ đầu tư và người mua nhà giải quyết cho dứt điểm. Làm được như vậy sẽ tiếp tục tạo nguồn cung trên thị trường với những sản phẩm hợp lý.
Điểm nữa là việc một mặt thương mại hóa thì một mặt cũng nên bình dân hóa bất động sản. Theo đó, chính phủ cần tung ra chương trình vừa kích cầu thị trường vừa hỗ trợ người mua nhà. Nên có chương trình thiết thực, đưa ra thị trường những bất động sản giá thấp dành cho người có thu nhập thấp.
Những biện pháp trên mới có thể cứu được thị trường bất động sản nói riêng và một phần nào đó để nền kinh tế ổn định.
Những chương trình thiết thực, theo ông ở đây nên cụ thể là như thế nào?
Tôi cho rằng, chúng ta nên có một gói hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản, nên ưu đãi tiền sử dụng đất, hỗ trợ về mặt thủ tục pháp lý nhanh gọn lẹ là quan trọng nhất. Vì hiện nay nộp tiền sử dụng đất là câu hỏi rất lớn, kéo dài với doanh nghiệp.
Triển khai như thế nào? Tôi nghĩ không riêng gì TP.HCM, mà ở vùng ven các thành phố lớn khác đều có quỹ đất để triển khai sản phẩm bất động sản giá thấp dành cho người thu nhập thấp.
Ví dụ tại TP.HCM, ở những khu vực như TP.Thủ Đức, quận Bình Tân, quận 12, huyện Bình Chánh, Hóc Môn... quỹ đất còn tương đối nhiều. Chúng ta có thể tạo lập 4 khu dân cư sản phẩm giá thấp ở 4 cửa ngõ thành phố. Mỗi khu gồm 3-4 cụm rộng khoảng 10-12ha.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp bằng cách quy hoạch nhanh, cấp giấy phép nhanh, hỗ trợ nhanh về nộp tiền sử dụng đất. Từ đó doanh nghiệp tham gia vào, đưa ra giá bán hợp lý.
Với lượng cung tương đối lớn từ 4 cửa ngõ, doanh nghiệp muốn bán giá cao cũng khó bởi lượng cung tương đối nhiều, phù hợp với người lao động. Nguyên tắc là làm việc ở đâu người lao động tìm mua nhà ở đó, vì với người lao động thu nhập thấp thì chi phí cơ bản rất cao. Một người thu nhập 100 triệu thì họ sẵn sàng đi grab mỗi ngày đi làm, còn người thu nhập thấp thì không nên họ phải kiếm nơi ở có khoảng cách gần chỗ làm.
Nếu trên khai được chính sách này ở 4 cửa ngõ thành phố thì sẽ thành công. Tôi nhấn mạnh không nên tập trung thành cụm lớn 50- 100 ha. Thứ nhất không có quỹ đất, thứ hai cũng khó làm vì số lượng quá lớn. Nên cần xé nhỏ mỗi cụm 10-12ha là hợp lý.
Xin cảm ơn ông.