Đối với dự án Luật Chứng khoán, bên cạnh việc chốt lại một số nội dung liên quan đến mô hình tổ chức của UBCKNN, UBTV Quốc hội cũng cho ý kiến về ngân hàng thanh toán. Tuy nhiên, một số quy định vẫn còn chồng chéo và tác động lớn đến hoạt động ngân hàng…
UBCKNN vẫn trực thuộc Bộ Tài chính
Sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu và thảo luận, thay mặt UBTV Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận, để ổn định thị trường tài chính, UBCKNN tiếp tục trực thuộc Bộ Tài chính, nhưng có bổ sung thêm một số quyền cho phù hợp với hệ thống pháp luật và các quy định của Đảng.
Về mô hình Sở giao dịch chứng khoán, UBTV Quốc hội khẳng định, chỉ có một Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và đặt tại trung tâm tài chính Quốc gia. Còn việc đặt ở đâu do Chính phủ cân nhắc quyết định. UBTV Quốc hội cũng thống nhất không quy định chào bán chứng khoán riêng lẻ cho các DN khởi nghiệp sáng tạo như các DN khác, vì lo ngại sẽ nhiều rủi ro và có thể gây hiệu ứng đô-mi-nô dù biết các DN này rất cần vốn. Riêng về ngân hàng thanh toán, UBTV Quốc hội đề nghị vẫn giữ nguyên như hiện hành mà chưa đưa ngay về NHNN.
Trước đó, báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, hiện nay, việc thanh toán tiền cho các giao dịch chứng khoán được thực hiện tại 3 ngân hàng (Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam đối với giao dịch chứng khoán; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đối với giao dịch chứng khoán phái sinh; NHNN đối với giao dịch trái phiếu Chính phủ).
Ủy ban Kinh tế cho rằng, theo thông lệ quốc tế, việc thanh toán tiền được thực hiện qua NHTW bởi mức độ tín nhiệm cao và rủi ro tín dụng ít khả năng xảy ra hơn so với NHTM. Điều này cũng phù hợp với Bộ các nguyên tắc hoạt động của Cơ sở thị trường tài chính (CPSS-IOSCO), bảo đảm tính thống nhất một đầu mối, giảm thiểu rủi ro hệ thống trong trường hợp NHTM có thể lâm vào tình trạng khó khăn hoặc phá sản, tạo niềm tin cho NĐT, đặc biệt là các NĐT nước ngoài.
Tuy nhiên, theo Luật NHNN hiện hành, NHNN chỉ cung ứng dịch vụ thanh toán cho các ngân hàng, không có các đối tượng khác như CTCK, tổ chức, cá nhân khác. Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ xem xét xây dựng lộ trình đối với việc chuyển giao các chức năng thanh toán chứng khoán từ NHTM tập trung về NHNN và xem xét nội dung này khi đề xuất sửa đổi Luật NHNN trong thời gian tới.
Cần quan tâm hơn đến mạch máu của nền kinh tế
Liên quan đến các quy định về chuyên môn, các chuyên gia pháp chế ngân hàng cho rằng, Luật Chứng khoán lần này sẽ tác động khá lớn đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, Ban soạn thảo đã cố gắng tiếp thu những đóng góp ý kiến của các ngân hàng, tuy nhiên mức độ sửa đổi vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng.
Cụ thể Quy định về nguyên tắc áp dụng Luật, đại diện Ủy ban Kinh tế cho biết, Luật Các TCTD hiện hành quy định những điều kiện nhất định nhằm hạn chế đầu tư, kinh doanh chứng khoán của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để ngăn ngừa rủi ro và bảo đảm an ninh tiền tệ, như việc NHTM phải thành lập công ty con để thực hiện đầu tư, kinh doanh chứng khoán; hoặc giới hạn góp vốn, mua cổ phần vào lĩnh vực chứng khoán...
Do vậy, để bảo đảm tính thống nhất với các Luật chuyên ngành về vấn đề đầu tư, kinh doanh chứng khoán, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng bổ sung thêm quy định: "Riêng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán của các luật khác có quy định hạn chế hơn so với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của luật đó".
Tuy nhiên, các chuyên gia pháp chế ngân hàng cho rằng, nếu quy định như vậy, việc thực hiện sẽ có nhiều vướng mắc bởi rất khó để biết thế nào là hạn chế hơn. Việc đưa ra quy định này cũng không đúng với bản chất vì cách tiếp cận của Luật Các TCTD khác với Luật chứng khoán, bởi Luật Chứng khoán chủ yếu bảo vệ các NĐT còn Luật Các TCTD bảo vệ người gửi tiền và an toàn hệ thống nên không cùng tiêu chí để so sánh. Vì vậy chuyên gia này cho rằng, Ban soạn thảo nên bổ sung vào sau khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật nội dung: "trừ hoạt động kinh doanh, đầu tư chứng khoán của các TCTD thực hiện theo quy định của Luật Các TCTD".
Là người đã từng hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, khi thảo luận về dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng đã thể hiện những băn khoăn lo ngại về tính thống nhất của dự án Luật này với hệ thống pháp luật hiện nay. Do vậy, ông đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát thật kỹ để tránh xung đột. Bởi nếu xung đột, việc điều hành các thị trường này sẽ bị rối vì rất nhạy cảm.
Các quy định liên quan đến điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng nếu được áp dụng cũng sẽ tác động rất lớn đến hệ thống ngân hàng. Dự thảo luật quy định điều kiện "hoạt động kinh doanh của 2 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán".
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, một số NHTM và chuyên gia pháp chế ngân hàng cho rằng, quy định này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc cơ cấu lại các TCTD cổ phần. Theo đó, Ban soạn thảo chỉ cần đưa ra điều kiện DN có lãi, không có lỗ lũy kế. Để bảo vệ NĐT, chỉ nên bổ sung điều kiện DN phải có kiểm toán độc lập và công bố đầy đủ thông tin là đủ.
Dù rất chia sẻ với các ngân hàng, song một thành viên Ban soạn thảo cũng cho biết rất khó để đưa ra quy định riêng cho từng lĩnh vực. Vì vậy "giải pháp tốt nhất là nếu hoạt động không hiệu quả, ngân hàng yếu kém sẽ phải được mua bán hoặc sáp nhập với ngân hàng tốt hơn để đáp ứng quy định", vị này chia sẻ.
Một nội dung khác liên quan đến hoạt động ngân hàng là thủ tục phát hành chứng khoán ra công chúng đối với TCTD, một số ngân hàng cho biết, nếu phải xin phép qua hai cơ quan là NHNN và UBCKNN thì có thể mất tới 60 ngày làm việc. Trong khi đó, việc phát hành trái phiếu phụ thuộc lớn vào điều kiện và nhu cầu thị trường.
Với thời gian quy định như vậy, các TCTD sẽ không thể tận dụng được cơ hội, thời điểm thuận lợi của thị trường để triển khai phát hành. Do vậy các NHTM cho rằng, chỉ cần thông báo với UBCKNN là đủ bởi phát hành trái phiếu của NHTM khác với DN. Đây là hoạt động huy động vốn thông thường, trái chủ được bảo hiểm tiền gửi và NHTM phải tuân thủ các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của thanh tra NHNN.