Nhằm hỗ trợ nhóm đối tượng là chủ sử dụng lao động sớm tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã rà soát, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp đủ điều kiện làm các thủ tục vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
Công ty TNHH Phúc Xuyên (trụ sở tại thành phố Uông Bí, Quảng Ninh), đơn vị kinh doanh vận tải hành khách công cộng lớn nhất tại Quảng Ninh đã phải tạm dừng hợp đồng làm việc của hơn 300 lao động. Hơn 300 đầu phương tiện của công ty hiện chỉ còn 100 xe bus nội tỉnh hoạt động theo yêu cầu “5K” với hơn 180 lao động được đóng bảo hiểm. Khoảng 200 phương tiện chạy tuyến liên tỉnh và chạy tour du lịch phải "đắp chiếu" gần 2 năm nay do dịch bệnh phức tạp, kéo dài.
Ông Đoàn Thế Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Xuyên cho biết, đã gửi hồ sơ lên Ngân hàng Chính sách tỉnh Quảng Ninh để vay vốn trả lương cho người lao động nhưng chưa được duyệt vì liên quan tới xác nhận thủ tục về thuế: "Hiện nay chỉ có khó khăn về xác nhận nghĩa vụ hoàn thành thuế. Việc này do quản lý của ngành thuế với các doanh nghiệp. Ở góc độ của đơn vị, tôi mong muốn ngành thuế có sự cởi mở để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn một cách nhanh nhất”.
Để tiếp cận nguồn vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, các doanh nghiệp phải đảm bảo đủ các điều kiện theo Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ, gồm doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết 31/3/2022; người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; doanh nghiệp không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn và có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh...
Ông Nguyễn Văn Phượng, Phó Chi hội tàu du lịch Hạ Long cho biết, thời điểm hiện tại, chỉ có khoảng 1/3 doanh nghiệp trong Chi hội đáp ứng các điều kiện trên bởi phần lớn lao động đã nghỉ việc và chấm dứt đóng bảo hiểm từ năm 2020. Gần đây nhất, khoảng 30 doanh nghiệp của Chi hội được Ngân hàng Chính sách mời lên trao đổi, hướng dẫn thủ tục. Tuy nhiên, khi xét đến các tiêu chí thì không nhiều đơn vị đủ điều kiện vay vốn.
“Đối với đóng bảo hiểm, chúng tôi chỉ duy trì những vị trí cốt cán và những người hiện nay ở trên tàu để trông coi. 2 năm nay không có khách du lịch, hàng ngày vẫn phải chi phí công tác duy tu, bảo dưỡng. Doanh nghiệp chỉ đóng cầm chừng cho vài người. Tất cả không còn khả năng, nên việc phải duy trì đóng BHXH như quyết định thì quá khó để chúng tôi tiếp cận”, ông Nguyễn Văn Phượng cho biết.
Theo ông Nguyễn Đăng Kiệm, Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh có khoảng 700 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn trả lương cho người lao động và phục hồi sản xuất. Vậy nhưng đến thời điểm này mới có 15 doanh nghiệp làm hồ sơ đề nghị được vay tổng số tiền khoảng 7 tỷ đồng.
"Hiện nay, các doanh nghiệp cơ bản có đủ điều kiện tiếp cận theo Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng chính sách xã hội. Tuy nhiên, các thủ tục đang vướng mắc về quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020. Chúng tôi đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh và đề nghị Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh có hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời để doanh nghiệp sớm tiếp cận gói hỗ trợ này”, ông Nguyễn Đăng Kiệm thông tin.
Theo quy định của luật quản lý thuế hiện nay, các doanh nghiệp đã thực hiện việc tự khai tự nộp thuế và chịu trách nhiệm với những thay đổi về thuế của đơn vị mình. Hơn nữa, 100% các doanh nghiệp đã thực hiện khai thuế và nộp thuế điện tử, vì vậy doanh nghiệp chỉ cần có thông báo chấp nhận tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp và thông báo số thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp là hợp với thực tế.
Ông Mai Chiến Thắng, Phó Cục trưởng cục Thuế tỉnh Quảng Ninh cho biết, đây là vướng mắc không phải chỉ ở cục thuế Quảng Ninh mà trong phạm vi cả nước: “Ngày 21/7, Cục thuế Quảng Ninh đã có văn bản báo cáo Tổng cục Thuế đề xuất hướng dẫn triển khai. Theo chúng tôi nắm được, hiện nay Tổng cục thuế, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Ngân hàng Chính sách đã có những trao đổi để hướng dẫn các địa phương. Quan điểm của cục Thuế thì chỉ cần các doanh nghiệp có thông báo chấp nhận tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp năm, có chữ ký số của cơ quan thuế và thông báo số thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp là đủ điều kiện để cho các doanh nghiệp vay vốn theo quy định”.
Trước những diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch bệnh, việc các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để trả lương cho người lao động, phục hồi sản xuất là mục tiêu rất căn cơ và cũng thể hiện nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành. Tuy nhiên, để người lao động được thụ hưởng những chính sách nhân văn này, các cơ quan chức năng cần sớm có những điều chỉnh, thống nhất hướng dẫn về nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp cho phù hợp với thực tế. Có như vậy, Nghị quyết 68 của Chính phủ mới phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết, hỗ trợ những khó khăn trước mắt của người lao động, tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.