Ngay trước giờ giải lao của phiên thảo luận ở hội trường về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chia sẻ: "Các đại biểu nói nhiều cái nhất nhưng tôi bổ sung thêm đây là vùng được Đảng, Nhà nước quan tâm nhiều nhất với nhiều chính sách nhất".
Phó Chủ tịch Thường trực cũng lý giải vì sao bà, trong vai trò điều hành phiên họp, mời nhiều đại biểu cùng 1 đoàn phát biểu trong nửa đầu phiên thảo luận. "Bởi đó là những đại biểu đại diện cho những dân tộc thiểu số của Việt Nam. Mong các đại biểu Quốc hội thông cảm", bà Phóng chia sẻ và đề nghị các đại biểu tập trung phát biểu ngắn ngọn để nhiều đại biểu có thời gian phát biểu ý kiến.
Phát biểu trước Quốc hội, nhiều đại biểu cho biết vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn là khu vực có nhiều cái nhất. Cụ thể, đây là vùng có chất lượng nguồn nhân lực thấp, kinh tế phát triển thấp, tiếp cận khó khó khăn nhất, hộ nghèo cao nhất…. Đường giao thông, trường học, cơ sở hạ tầng đang là vấn đề cấp bách với khu vực này.
Đại biểu Nguyễn Phước Lộc đoàn TP Hồ Chí Minh nhận định lõi nghèo của Việt Nam vẫn tập trung vào vùng dân tộc thiểu số. Cùng với đó, đời sống người dân còn nhiều khó khăn chất lượng nguồn nhân lực kém.... Ông Lộc cũng cho biết nhiều chính sách pháp luật được ban hành liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số nhưng nhiều trong số đó thiếu tính đồng bộ nên chưa phát huy được hiệu quả.
"Nếu ban hành chương trình mục tiêu quốc gia sẽ giúp quy về một đầu mối, tích hợp các chính sách", ông Lộc nói về sụ cần thiết phải thông qua đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Đại biểu Bế Minh Đức của đoàn Cao Bằng cũng nhấn mạnh một chương trình tổng thể có thể giúp có cái nhìn tổng quan, khắc phục tình trạng chồng chéo trong thực thi chính sách. Để đạt hiệu quả cao, Chính phủ cần đẩy mạnh ưu tiên cho những chính sách tiền đề, quan trọng để thực hiện trước.
Các đại biểu quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chuẩn bị sẵn nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính, để có thể giúp đề án đi vào thực tế. Chính sách mà không có nguồn lực thì chỉ là chính sách nằm trên giấy, người dân lại mỏi cổ mong chờ. Chính sách ưu việt đến mấy mà không có nguồn lực, nhất là kinh phí, người triển khai không quyết liệt thì cũng không thể phát huy được hiệu quả.