Tư nhân sẵn sàng tham gia đầu tư vào lĩnh vực điện lực, nhưng mức giá bao nhiêu là điều quan trọng.
Hàng chục tỷ USD vốn tư nhân đổ vào dự án điện
Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55 về Định hướng chiến lược năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Ngày 22/7 tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ đồng chủ trì và chỉ đạo tổ chức trực tuyến đến các điểm cầu địa phương và các đại biểu quốc tế "Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam 2020".
Điểm lại hai vấn đề khiến khu vực tư nhân "nức lòng", ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam, cho rằng: Thứ nhất, Nghị quyết 55 đã định hướng cho tất cả các thành phần kinh tế đều được tham gia vào phát triển năng lượng. Đây là sự khẳng định rất mạnh của Đảng, Chính phủ về việc không phân biệt thành phần kinh tế nào, miễn là có đủ năng lực tham gia vào thị trường năng lượng. Thứ hai, Nghị quyết 55 đã tháo gỡ tất cả những rào cản về độc quyền, cản trở khối tư nhân tham gia vào truyền tải năng lượng.
Dự án điện gió, điện mặt trời của Tập đoàn Trung Nam ở Ninh Thuận. Ảnh: Lương Bằng |
“Hai điểm này đã làm cho khối doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là những doanh nghiệp đã và đang tham gia vào ngành năng lượng, rất vui mừng. Tuy nhiên, để từ niềm vui đó đến hiệu quả thực tế cần xây dựng một cơ chế cụ thể để hiện thực hóa Nghị quyết. Những doanh nghiệp tư nhân như Trung Nam rất mong chờ những cơ chế đó để có một hành lang pháp lý để có thể triển khai, cùng đồng hành với EVN trong việc đầu tư phát triển năng lượng”, ông Nguyễn Tâm Tiến chia sẻ.
Ông Trần Sĩ Chương, Chủ tịch HĐQT Chân Mây LNG, cho rằng: Nghị quyết 55 cho thấy rõ quyết tâm của Đảng và Nhà nước về đa dạng hóa nguồn đầu tư vào ngành năng lượng, khuyến khích sự tham gia của mọi thành phần kinh tế đặc biệt là kinh tế tư nhân trong sản xuất điện, truyền tải điện.
Hơn nữa, Nghị quyết ưu tiên phát triển nguồn năng lượng sạch, trong đó có cả điện khí. Điện khí là một tiềm năng rất lớn và chính là nguồn để giải quyết được vấn đề năng lượng, ngoài các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió cho 20 năm tới.
“Nếu không có Nghị quyết 55 thì chưa chắc chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư vào dự án nhiệt điện khí Chân Mây với công suất 4.000 MW, vốn đầu tư là 6 tỷ USD”, ông Trần Sĩ Chương nhấn mạnh.
Thời gian qua, hàng chục tỷ USD vốn đầu tư đã được rót vào nguồn điện ở Việt Nam, nhưng con số ấy vẫn chưa thấm vào đâu so với nhu cầu bổ sung nguồn điện vào hệ thống.
Báo cáo của Ban chỉ đạo điện lực quốc gia cho thấy, đến nay, có 19 dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) với tổng công suất khoảng gần 27.000MW. Tuy nhiên, mới có 4 dự án đã vào vận hành thương mại: Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3, Mông Dương 2 và Vĩnh Tân 1; chỉ 4 đang triển khai xây dựng: Hải Dương, Duyên Hải 2, Nghi Sơn 2 và Vân Phong 1. Còn lại là các dự án đang hoàn thiện bộ Hợp đồng BOT để chuẩn bị ký chính thức; đang triển khai đàm phán hoặc đang triển khai ở giai đoạn đầu, chưa đàm phán.
Quan trọng giá điện như thế nào
Điện mặt trời hút nhà đầu tư nhờ giá cao. Ảnh: Lương Bằng |
Trong bối cảnh thiếu điện cận kề, việc huy động tư nhân đầu tư vào nguồn điện là giải pháp quan trọng. Bộ Công Thương cho hay, khả năng thiếu hụt nguồn điện lớn sẽ xảy ra từ năm 2021 đến năm 2025, dự kiến mỗi năm thiếu hụt khoảng 7-8 tỷ kWh nếu các nhà máy điện đang chậm tiến độ vẫn tiếp tục chậm và không thể hoàn thành, cùng với việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả không được triển khai thực chất.
Nghị quyết 55 đặt ra mục tiêu tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125-130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550-600 tỷ KWh. Do vậy, số vốn đầu tư cần để đạt được là rất lớn. Một mình EVN không thể gánh được trách nhiệm này, nên hút được tư nhân đầu tư cùng là giải pháp tốt.
Điều này cũng trùng khớp với định hướng đề ra tại quy hoạch điện VII điều chỉnh. Theo đó, năm 2025 sở hữu nguồn của EVN sẽ giảm đi, không giữ ở mức 60% như hiện nay. Đến năm 2020, EVN chỉ còn sở hữu 50% nguồn phát điện, đến 2025 còn 35%, và 2030 còn 28%. Như vậy, phần đảm bảo cấp điện hay không phụ thuộc nhiều vào tham gia của các thành phần bên ngoài.
Qua câu chuyện điện mặt trời cho thấy, chỉ cần có chính sách khuyến khích, cụ thể là giá điện, sẽ thu hút được nguồn lực tư nhân đầu tư vào hệ thống nguồn điện.
Thực tế, sức nóng của điện mặt trời bắt đầu “bùng nổ” khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 11 về cơ chế khuyến khích điện mặt trời vào tháng 4/2017 với mức giá khoảng 2.100 đồng/số áp dụng trong 20 năm. Do đó, gần trăm nghìn tỷ của tư nhân đã “rót” vào điện mặt trời. Năm 2018 chỉ có 3 nhà máy đóng điện thành công, thì 6 tháng năm 2019, có tới gần 90 nhà máy điện mặt trời hòa lưới. Công suất lắp đặt của các nhà máy điện mặt trời lên tới gần 4.500 MW (trong khi công suất nguồn điện cả nước là gần 55.000 MW)
Giống như điện mặt trời, điện gió bắt đầu thu hút sự quan tâm của hàng trăm nhà đầu tư khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định nâng giá mua điện gió từ mức 1.770 đồng một kWh (tại Quyết định 37 năm 2011) lên 1.928 đồng/kWh theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg (đối với các dự án điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh).
Những dẫn chứng trên cho thấy, chỉ cần có một cơ chế giá tốt, nhà đầu tư sẽ quan tâm đến đầu tư nguồn điện. Nhưng mức giá là bao nhiêu phải cân nhắc kỹ, bởi nếu tỷ trọng điện mặt trời, điện gió giá cao tăng đột ngột, sẽ tác động tới giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng.
Mặt khác, trong cơn sốt điện mặt trời, điện gió, cần đánh giá đúng mức tác động của nguồn điện ấy đến hệ thống điện quốc gia, bổ sung quy hoạch ở mức phù hợp, đảm bảo khả năng truyền tải. Như vậy, sẽ không tái diễn tình cảnh “điện mặt trời thừa không phát được lên lưới” mà trong nước lại có nguy cơ thiếu điện. Đó là nghịch lý rất khó chấp nhận được.
Lương Bằng