Như BizLIVE thông tin ở bài viết trước, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 24 quy định về tái cấp vốn dưới hình thức cho vay lại theo hồ sơ tín dụng đối với tổ chức tín dụng.
So với trước đây, thông tư vừa ban hành đã đưa việc cho vay tái cấp vốn qua hình thức trên để hỗ trợ nguồn vốn cho vay đối với ngành, lĩnh vực được khuyến khích phát triển vào quy định “Mục đích” của chính sách. Trước đây, mục đích chính của cho vay tái cấp vốn chủ yếu nhằm hỗ trợ thanh khoản.
Như vậy, về quy trình, các tổ chức tín dụng có thể tiếp cận kênh tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước để thêm nguồn cho vay các ngành, lĩnh vực ưu tiên.
Tuy nhiên, một thực tế hiện nay cho thấy, khi so sánh các quy định lãi suất hiện hành, kênh và cơ chế trên đang rất hạn chế.
Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn hiện nay Ngân hàng Nhà nước áp dụng 6%/năm. Trong khi đó, với quyết định vừa qua, trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ngành, lĩnh vực ưu tiên) giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.
Như vậy, trần lãi suất cho vay ngắn hạn các lĩnh vực ưu tiên trên cũng đã ngang bằng với mức lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, cùng 6%/năm.
Theo đó, cơ chế và mục đích tái cấp vốn quy định trong Thông tư 24 vừa ban hành trở nên hạn chế trên thực tế. Vì tổ chức tín dụng sẽ hạn chế động lực và nhu cầu vay tái cấp vốn ở Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 6%/năm để rồi cho vay ngắn hạn các lĩnh vực ưu tiên tối đa cũng chỉ 6%/năm theo trần quy định hiện hành, không có lãi khi cho vay ngắn hạn.
Với thực tế đó, cơ chế cho vay tái cấp vốn chủ yếu chỉ nhằm mục đích hỗ trợ thanh khoản. Để mục đích “hỗ trợ nguồn vốn cho vay” các lĩnh vực ưu tiên như Thông tư 24 nêu, lãi suất tái cấp vốn - chi phí vốn cần có chênh lệch đáng kể so với trần lãi suất cho vay ngắn hạn nói trên.
Để tạo chênh lệch, cũng như tính khả thi của cơ chế, kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất tái cấp vốn có thể đặt ra thời gian tới.