Là một trong những doanh nghiệp sản xuất pin và ác quy hàng đầu Việt Nam, Pinaco (PAC) từng được dự báo sẽ có khả năng đạt tăng trưởng ấn tượng, cộng hưởng từ sự bùng nổ của thị trường ô tô và nhu cầu thay thế trong những năm gần đây. Tuy nhiên, khi tác động này còn chưa rõ rệt thì bản thân thương hiệu này vướng phải khó khăn khác.
Giá chi phí nguyên liệu thô tăng liên tục trong những năm gần đây đã tạo sức ép lên biên lợi nhuận của PAC. Trong khi chi phí đầu vào không thể chuyển sang giá bán do đối thủ cạnh tranh quyết không tăng giá, PAC quyết định đi nước cờ mạo hiểm khi chuyển phần thua thiệt cho các đơn vị phân vị phân phối bằng việc giảm chiết khấu.
Tính tới cuối quý III, doanh thu của PAC đạt hơn 2.260 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng do cắt giảm chiết khấu cho đại lý, doanh thu thuần của doanh nghiệp tăng mạnh 23% lên 2.076 tỷ đồng. Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), hành động này nhằm bảo vệ biên lợi nhuận gộp, vốn đang chịu sức ép rất lớn từ sự tăng mạnh của giá nguyên vật liệu, mà doanh nghiệp lại không thể tăng giá bán sản phẩm do cạnh tranh sát sao với đối thủ chính.
Trong 9 tháng đầu năm, giá bán bình quân của chì - nguyên liệu chiếm hơn 70% giá vốn của PAC, đã tăng gần 27%. Điều này đã tạo sức ép khiến biên lợi nhuận gộp của PAC giảm 1,4% xuống còn 12,7%. Nếu trừ khoản hỗ trợ từ dự án bất động sản Gia Phú, lợi nhuận sau thuế 9 tháng của đơn vị này chỉ đạt gần 77 tỷ đồng, hoàn thành chưa tới một nửa kế hoạch đã đề ra.
Theo VDSC, dựa vào tình hình bán hàng trong 9 tháng đầu năm, dự phóng doanh thu thuần trong quý cuối năm của PAC có thể đạt được là 669 tỷ đồng, và chỉ tiêu này cho cả năm 2017 ước đạt khoảng 2.745 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh gay gắt sẽ buộc PAC gia tăng một số chi phí nhằm thúc đẩy bán hàng. Với bối cảnh kém thuận lợi như vậy, dự phóng lợi nhuận sau thuế cho năm nay chỉ đạt 122 tỷ đồng, giảm gần 35%.
Tình hình giá chì thế giới đang được giao dịch ở mức giá cao và dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới, trong khi PAC khó có thể tăng giá bán sản phẩm, VDSC cũng cho rằng biên lợi nhuận gộp năm 2017 và 2018 sẽ sụt giảm mạnh so với những năm trước, ước tính chỉ đạt lần lượt là 13,2% và 15,1%.
Cùng chung nhận định như VDSC, CTCK TP HCM (HSC) cho rằng khả năng quyết định giá bán trong ngành yếu của PAC do cạnh tranh gia tăng khiến công ty này không thể bù đắp cho phần chi phí đầu vào tăng. HSC cũng dự báo lợi nhuận của thương hiệu Pin Con Ó sẽ giảm 30% trong năm 2017 dù doanh thu vẫn tăng hơn 15%.
Dù kế hoạch hợp tác với Furukawa – nhà đầu tư chiến lược của PAC, có thể mang lại nhiều tín hiệu khả quan về tình hình kinh doanh, song các công ty chứng khoán cùng cho rằng hiện các nhà máy của công ty đang hoạt động ở ngưỡng công suất tối đa nên tác động sẽ không đáng kể. Dù tính cả việc cắt giảm chiết khấu, doanh thu thuần năm 2018 của PAC được dự báo cũng chỉ tăng từ 4 – 13%.
Thấp thỏm chờ Vinachem
“Giá cổ phiếu đã phản ánh hết giá trị xét về mặt phân tích căn bản, đặc biệt là trong bối cảnh tỷ suất lợi nhuận sẽ bị thu hẹp trong năm nay. Tuy nhiên trong ngắn hạn, cổ phiếu PAC vẫn có động lực tăng giá gồm câu chuyện M&A và Vinachem thoái vốn”, báo cáo HSC mới đây cho biết.
Dù hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Pin Con Ó đang gặp phải thách thức, nhưng vấn đề này sẽ bị “lu mờ” bởi câu chuyện M&A. Tuy nhiên, khác với những “game” thoái vốn hiện tại, vấn đề của PAC đang rơi vào tình thế khó phán đoán liệu Vinachem bao giờ sẽ thoái vốn.
Mặc dù Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết sẽ bán 51,43% cổ phần đang nắm giữ tại PAC, nhưng thời điểm cụ thể đến nay vẫn chưa xác định. Theo HSC, chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy Vinachem không muốn thoái vốn và điều này không có gì ngạc nhiên khi PAC là một trong những công ty mang lại nhiều lợi nhuận cho tập đoàn nên Vinachem muốn giữ cổ phần tại công ty. Tuy nhiên HSC cũng cho rằng quyết định cuối cùng sẽ ở cấp bên trên Vinachem với một mục đích hoàn toàn khác.
Trong khi đó, dù “lịch” thoái vốn vẫn chưa chốt nhưng Furukawa Battery, một trong những hãng sản xuất pin và ắc quy lớn nhất tại Nhật Bản, vẫn đang miệt mài gom cổ phiếu để tăng tỷ lệ nắm giữ tại doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Pin Con Ó.
Cuối tháng 9/2016, Furukawa Battery đã chi gần 200 tỷ đồng mua vào gần 4,9 triệu cp PAC, qua đó trở thành cổ đông lớn tại doanh nghiệp này sau Vinachem. Sau giai đoạn đàm phán, chính PAC mới đây đã thông báo lấy ý kiến cổ đông và đã được thông qua về việc lựa chọn hãng này trở thành đối tác chiến lược trong thời hạn 5 năm.
Theo HSC, Furukawa Battery nhiều khả năng nâng tỷ lệ sở hữu bằng cách mua cổ phần từ cổ đông hiện hữu, có thể từ đầu năm 2018. Dự kiến Furukawa Battery sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 24,9% mà không cần chào mua công khai. Do vậy cho dù chưa có thời điểm thoái vốn cụ thể của Vinachem thì câu chuyện M&A của PAC vẫn còn nguyên vẹn.
Pinaco nhiều khả năng cũng sẽ nới room ngoại vượt mức 49% như hiện tại nhằm giúp đối tác chiến lược này có thể thỏa thuận trực tiếp với Vinachem về việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần đang nắm giữ.
Theo nhận định của HSC, việc thoái vốn có thể được thực hiện trong 12-24 tháng tới. Và nếu thương vụ này kết thúc trong êm thắm, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dẫn đầu thị phần pin và ắc quy khu vực phía Nam sẽ được cải thiện đáng kể, tương tự những trường hợp xảy ra trước đây.