Vượt quãng đường đèo khoảng 80km từ thành phố Lào Cai mất khoảng gần 3 tiếng đồng hồ, Y Tý dần hiện ra với mây trắng bồng bềnh bảng lảng giữa núi non hùng vĩ, những nếp nhà trình tường độc đáo của người Hà Nhì thoắt ẩn thoắt hiện sau lớp mây mù.
Hoa đào Y Tý đang vào độ nở rực rỡ. Ảnh: baolaocai
Y Tý là xã vùng cao của huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai), nằm ở độ cao trên 2.000m so với mực nước biển. Nơi đây gần như quanh năm mây mù bao phủ. Bởi thế, nhiều người gọi Y Tý là "vùng đất mù sương", dân phượt thì biết đến Y Tý với cái tên "thiên đường mây". Mỗi độ xuân về, đào, mận, mơ nơi đây lại nở bung khoe sắc.
Hoa đào khoe sắc khắp các nẻo đường đến thôn, bản ở xã Y Tý. Ảnh: baolaocai
Những cây đào cổ Y Tý đua nhau nở hoa dưới nắng xuân. Ảnh: baolaocai
Sau Tết Nguyên đán, xã Y Tý (huyện Bát Xát, Lào Cai) như bừng dậy bởi sắc thắm của hoa đào, màu trắng tinh khôi của hoa mận, màu vàng mơ của những vạt hoa cải bên hông nhà, cảnh đẹp đến nao lòng.
Vài năm gần đây, hàng nghìn cây đào rừng đã được triển khai trồng quanh các ngôi nhà người dân ở Y Tý, A Lù, A Mú Sung (huyện Bát Xát, Lào Cai) theo chương trình phục tráng giống đào vùng cao.
Thiếu nữ dân tộc Hà Nhì bên sắc thắm hoa đào. Ảnh: baolaocai
Đào Y Tý sắc thắm, cánh dày mang vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ.
Đào Y Tý nở muộn hơn các vùng thấp vì thời tiết ở đây lạnh hơn các nơi khác. Ảnh: baolaocai
Du khách đến với Y Tý được tận hưởng không khí trong lành, ngắm cảnh thiên nhiên đẹp mê mải và có dịp tìm hiểu nếp sống của các đồng bào dân tộc thiểu số Hà Nhì, Mông, Dao...
Dọc theo những con đường từ Y Tý đi Ngải Thầu, du khách dễ dàng bắt gặp sắc đào nở rộ, đâu đó những đứa trẻ hồn nhiên nô đùa trong nắng.
Ông Ly Giờ Có, Bí thư Đảng ủy xã Y Tý cho biết, mỗi năm xã đều vận động nhân dân và trường học trồng hàng nghìn cây hoa đào các loại. Cây đào phai vừa tạo cảnh quan vùng đất du lịch, vừa để ăn quả, trong tương lai Ý Tý sẽ là một cao nguyên hoa.
Đến Y Tý, những mùa nào đẹp nhất? Cuối tháng 8 đến giữa tháng 9, Y Tý mùa lúa chín vàng trên các thửa ruộng bậc thang. Y Tý mùa mây từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau, cao điểm “săn mây Y Tý” là sau Tết Nguyên đán đến tháng 3. Tháng 4, hoa đỗ quyên nở khắp rừng già, và cũng chuẩn bị cho ruộng bậc thang Y Tý mùa nước đổ. Lễ cúng rừng Gạ Ma Do diễn ra vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch hàng năm. Lễ hội cầu mùa Khô Già Già, tổ chức 5 ngày, bắt đầu vào ngày Thìn, kết thúc vào ngày Thân tháng 6 âm lịch. Y Tý tháng 11 âm lịch, có Tết Ga Tho Tho diễn ra trong 3 ngày từ mùng 9 đến 11. |