Liên quan đến việc “thất lạc” bản đồ quy hoạch 1/5.000 khu đô thị Thủ Thiêm (TP.Hồ Chí Minh), trao đổi với PV Infonet, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội, nguyên KTS Trưởng TP Hà Nội cho rằng: Không nên vội vàng nói nó mất, mà cần tìm.
“Đồ án quy hoạch có phần quyết định, thuyết minh và hệ thống các bản vẽ. Vì vậy, cần kiểm tra lại nếu nơi này không có thì nơi khác có hay không vì trong luật đã nói rõ các cơ quan cần lưu trữ”, ông Nghiêm nói.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, đối với các bản đồ quy hoạch đã có quy định là phải lưu trữ, bây giờ không lưu giữ thì phải quy trách nhiệm, nơi này mất thì nơi khác còn chứ không thể tuyên bố hoàn toàn không có trên xã hội được... |
Nói rõ hơn, ông Nghiêm phân tích, kèm theo quyết định phê duyệt dự án, nhất là cấp Chính phủ thì phải có đồng bộ đồ án bao gồm quyết định phê duyệt hồ sơ đồ án, hồ sơ đồ án gồm thuyết minh, trong đó có đồ án quy hoạch bằng lời và bản vẽ. Bản vẽ có cấu trúc đầy đủ từ bản vẽ hiện trạng, bản vẽ quy hoạch, bản vẽ phân đợt… bản vẽ là phần quan trọng được thể hiện theo các yêu cầu kỹ thuật và là một nội dung trong quyết định của Thủ tướng phê duyệt. Vì thế, bản vẽ và thuyết minh là phần không thể thiếu của đồ án quy hoạch.
Theo ông Nghiêm, từ Luật Quy hoạch đô thị 2009 đến Luật Xây dựng 2003 đều có quyết định đầy đủ, trước nữa có những nghị định của Chính phủ về quản lý quy hoạch, xác định rõ những nơi nào phải lưu giữ hồ sơ bản vẽ quy hoạch. Nếu địa phương không có thì phải xem xét lại việc gìn giữ, như vậy không phải là không có mà sẽ còn những nơi khác lưu giữ.
Khu đô thị Thủ Thiêm nhìn từ trên cao. |
“Bản đồ quy hoạch đang “thất lạc” là một trong những nội dung của quyết định phê duyệt quy hoạch, rất quan trọng và không thể thiếu…. rất dễ tìm chứ không phải khó, vấn đề là tìm ở đâu thôi. Quy định là phải lưu trữ, bây giờ không lưu trữ thì phải quy trách nhiệm, nơi này mất thì nơi khác còn chứ không thể tuyên bố hoàn toàn không có trên xã hội được”, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội nhấn mạnh.
Vậy bản đồ quy hoạch theo quy định phải được lưu trữ ở những đâu?
Ông Nghiêm cho hay, bản đồ quy hoạch được lưu trữ ở đơn vị nghiên cứu, đơn vị ra quyết định phê duyệt, về địa phương thì từng địa phương một có cơ quan quản lý quy hoạch phải lưu trữ. Theo Luật lưu trữ, quá thời hạn thì phải chuyển hóa sang đĩa nhựa hay phần mềm để lưu trữ, bao giờ cũng có cả.
Ví dụ ở Hà Nội có Chi cục Lưu trữ lưu giữ hết tất cả các bản đồ và Sở Quy hoạch phải lưu trữ sau đó phải chuyển giao cho Cục lưu trữ và nếu quá thời hạn thì phải chuyển hóa sang phần mềm lưu trữ, chứ không thể mất được.
Thời gian lưu trữ bản đồ quy hoạch là bao lâu?
Ông Nghiêm cho biết, thời gian lưu trữ quy hoạch lại tùy theo tính chất của từng loại đồ án quy hoạch, phải xem giá trị đồ án quy hoạch, nếu đồ án nói định hướng phát triển quy hoạch đến thời gian nào, nếu quy hoạch có thêm “tầm nhìn” nữa thì phải lưu trữ lâu.
“Ở Hà Nội có những đồ án từ năm 1992 đến nay vẫn được lưu trữ để làm tư liệu xem xét trong nghiên cứu phát triển, chứ không thể hủy. Hà Nội còn bản đồ quy hoạch từ năm 1961 Bác Hồ tham gia xây dựng thì lưu trữ trên bản mềm thôi chứ làm sao có bản vẽ lúc bấy giờ nữa….”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.