35,3 tỉ đồng/tháng đã đúng thực tế?
Để thu được thuế đúng và đủ, ngành thuế buộc phải nắm được doanh thu, hoạt động kinh doanh của mỗi điểm bán hàng. Tuy nhiên, khi chúng tôi xin cung cấp thông tin về tổng doanh thu của khoảng 35 điểm bán hàng ở Hạ Long, Móng Cái, Đông Triều (chứ không xin chi tiết của từng cơ sở) thì đại diện Cục thuế tỉnh Quảng Ninh từ chối, do vướng vào điều 73 của Luật quản lý thuế về bảo mật thông tin của các DN.
Cũng vì bảo mật thông tin, đơn vị này từ chối cung cấp tổng số thuế đã nộp của khoảng 19 điểm bán hàng cho khách Trung Quốc tại Móng Cái, dù trước đó cho biết, năm 2017, 14 điểm bán hàng tại TP.Hạ Long nộp tổng cộng 936 triệu đồng tiền thuế. Dẫu vậy, đại diện Cục thuế tỉnh Quảng Ninh cho rằng, sau đợt khảo sát của tổ liên ngành vừa kết thúc, 14 điểm bán hàng tại Hạ Long đồng ý ký vào biên bản với mức doanh thu tối thiểu là 35,3 tỉ đồng/tháng. Trước đó, 14 điểm bán hàng này tự khai mức doanh thu bình quân/năm là 13,367 tỉ đồng/tháng.
Tuy nhiên, đại diện một số đơn vị có thành viên tham gia đoàn khảo sát, trong đó có UBND TP.Hạ Long, không đồng tình với mức doanh thu trên, bởi vẫn quá thấp so với thực tế; đồng thời đề nghị tiếp tục theo dõi và khảo sát. Theo tài liệu chúng tôi có được, có những cửa hàng loại vừa, có doanh thu quý I.2018 đã lên tới 12 tỉ đồng. Những người trong cuộc cho rằng, thậm chí 12 tỉ đồng/quý/điểm bán hàng vẫn là thấp so với thực thu, bởi hiện nay, doanh thu từ các điểm bán hàng vẫn là nguồn chính để bù đắp cho tour “0 đồng”, trong khi để lo tour 3 đêm, 4 ngày cho 600.000 khách/năm cũng phải mất tối thiểu 1.500-1.800 tỉ đồng.
Trở lại câu chuyện cò kè thêm bớt giữa chủ các cửa hàng với lực lượng chức năng về doanh thu tối thiểu từ 13,367 tỉ đồng lên 35,3 tỉ đồng. Với doanh thu tự khai 13,367 tỉ đồng/tháng, thì mỗi năm, tổng doanh thu của 14 điểm bán hàng là trên 187 tỉ đồng. Vậy, 187 tỉ đồng/năm, nhưng nộp thuế 936 triệu đồng như năm 2017 liệu có hợp lý, kể cả sau khi đã được hoàn thuế nếu có đầy đủ hóa đơn? Thêm 1 câu hỏi nữa: Với cách áp mức doanh thu tối thiểu như vậy, cũng như việc các DN tự khai nộp thuế như trước đây, phải chăng, các ngành chức năng không nắm được doanh thu thực sự của các điểm bán hàng là bao nhiêu?
Vẫn chỉ là quản lý trên giấy tờ
Sau khi hoàn tất giai đoạn 1 việc khảo sát doanh thu 14 điểm bán hàng cho khách Trung Quốc tại Hạ Long, hiện đoàn liên ngành của tỉnh Quảng Ninh đang tiến hành khảo sát tại 19 điểm bán hàng ở TP.Móng Cái. Được biết, tổng số thuế của các cửa hàng ở Móng Cái còn thấp hơn nhiều so với các cửa hàng ở TP.Hạ Long. Đại diện Cục thuế tỉnh Quảng Ninh cho biết, từ tháng 10.2017, tất cả các điểm bán hàng đều lắp đặt máy thanh toán tiền bằng thẻ có kết nối với tài khoản ngân hàng, sử dụng hóa đơn điện tử có kết nối với phần mềm bán hàng. Nhờ đó, tình trạng thanh toán không dùng tiền mặt đã được kiểm soát.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, 1 chuyên gia về kế toán xin được giấu tên cho biết, đây chỉ là lý thuyết, bởi khi thanh toán, 2 bên dùng tiền mặt hoặc thỏa thuận với nhau chuyển tiền qua điện thoại và các dịch vụ thanh toán nội bộ của Trung Quốc thì ai kiểm soát được. “Nếu không kiểm soát được doanh thu, nguồn gốc hàng hóa, chi tiêu, hoa hồng của các điểm bán hàng thì khả năng lại phải trông đợi họ nộp thuế bao nhiêu thì nộp thôi, hoặc phải cò kè, dùng các biện pháp khác để ép khai tăng doanh thu” - chuyên gia này chia sẻ.
Theo một số hướng dẫn viên (HDV) du lịch, doanh thu thực khá lớn, nhưng các chủ cửa hàng cũng có nhiều nỗi khổ do mức chi hoa hồng quá cao, từ 60-70% doanh thu. Trả thấp hơn, đối tác Trung Quốc sẽ không đưa khách đến. Số hoa hồng trên được chi cho đối tác Trung Quốc, HDV, tài xế. “Hoa hồng đối với ngành du lịch thì ở đâu, bất kỳ quốc gia nào cũng có, nhưng tỉ lệ cao nhất cũng chỉ 15-20% và phải có hóa đơn để trừ vào thuế thu nhập DN hoặc hoàn thuế VAT sau này. Vì thế, hãy kiểm tra xem các điểm bán hàng cho khách Trung Quốc tại Quảng Ninh xem ít nhất có phiếu chi hoa hồng không” - HDV Nguyễn Đức Hà gợi ý.
Năm 2017, tỉnh Quảng Ninh đón khoảng 9,87 triệu lượt khách, trong đó có 4,28 triệu lượt khách quốc tế, với tổng thu từ du lịch đạt 17.885 tỉ đồng. Dù là ngành mũi nhọn với những tiềm năng, lợi thế cực lớn, nhưng thu ngân sách từ du lịch chỉ đạt 2.105 tỉ đồng, chiếm 7,62% trong tổng thu nội địa (27.650 tỉ đồng). Đáng chú ý, trong số 2.105 tỉ đồng thì thu phí thăm vịnh Hạ Long đạt 1.030 tỉ đồng, phí visa qua cửa khẩu Móng Cái đạt khoảng 300 tỉ đồng. Như vậy, thuế thu từ ngành du lịch chỉ đạt khoảng 775 tỉ đồng.