Thực ra thì, sau khi thông tin Grab và Uber "về chung 1 nhà" được công bố chính thức, giới công nghệ không bàn tán quá nhiều, vì tin đã lộ ra từ trước khá lâu. Có nhiều người còn chắc cốp khẳng định, là 1 trong 2 bên của cuộc mua bán đã cố tình rò rỉ thông tin để khiến nhân viên/đối tác của đối thủ nản chí.
Nhưng vấn đề người ta chú ý không phải là việc Grab trở thành một thế lực thống lĩnh thị trường taxi công nghệ không có đối thủ, mà là những chuyển động chiến lược tiếp theo của họ.
Trong khuôn khổ bài viết này, chỉ xin đề cập tới các đối thủ sau này của "Grab mới" tại Việt Nam.
Taxi
Nghe thì thật là buồn cười, vì chẳng phải việc Grab lên ngôi vương sau khi đả bại Uber là chiến tích xây trên những thất bại của ngành taxi đó chăng?
Nhưng không phải, chính lúc mà Grab tự tin "đã xong trận đánh giành thị phần", thì câu chuyện của các hãng taxi sẽ thành "Phản kháng hay là chết". Họ chọn điều gì: Bất lực chịu chết trước sức mạnh mới của Grab, hay đứng lên giành lấy những mảnh đất mình đã mất bấy lâu?
Trên thực tế, là ngay trong khi Uber và Grab vẫn còn cạnh tranh nhau, những lúc giờ cao điểm, thời tiết xấu, giá surge mà Uber và Grab áp dụng thậm chí đắt gấp đôi taxi. Vậy thì khi chỉ còn một mình Grab, như Chủ tịch Grab Việt Nam Nguyễn Tuấn Anh từng nói "không công ty nào có thể khuyến mại mãi được", đây chính là một gót chân Ashin mà các công ty taxi có thể tận dụng.
Và xa hơn nếu các hãng taxi khôn ngoan có thể bắt tay lập một liên minh taxi chung vai tìm cách đấu lại Grab, thậm chí quyết tâm "đập đi xây lại" để trở thành 1 công ty "taxi công nghệ", cuộc chiến thị phần của Grab có lẽ chưa thể kết thúc?
MoMo, Zalopay
Khi đã đứng đầu thế giới thì kẻ đứng đầu sẽ là làm gì tiếp? Một trong các lựa chọn đó là tìm thế giới mới để chinh phục. Và ở đây, thanh toán di động hay ví di động là cuộc chiến dễ thấy và gần nhất mà Grab đang lăm le để tấn công thị trường Việt Nam.
Thực tế tại Việt Nam, ví Grabpay mới chỉ là chỗ để khách hàng nạp tiền vào để đi xe cho tiện hay nhận thêm khuyến mãi hot. Tài xế nhận tiền từ Grab rồi rút ra. Nhưng ở các quốc gia lân cận khác, Grabpay không chỉ là 1 công cụ thanh toán được sử dụng hàng ngày tới tận các tiệm tạp hóa, mà mới đây Grab đã trở thành một nền tảng đầu tư tài chính, nói nôm na là kiểu "cầm đồ online" như startup F88 của Việt Nam.
Mức độ hấp dẫn của thị trường fintech Việt thì khỏi phải bàn, dân số trẻ, mức thu nhập của họ tăng cao, chi tiêu thoáng hơn và họ cần dịch vụ hiện đại, cần những gì tiện dụng mà dịch vụ thanh toán di động có thể đáp ứng.
Thế là, không chỉ phải đề phòng sự tràn xuống của 2 "gã khổng lồ phương Bắc" như Alipay hay Wepay, giờ đây MoMo và Zalopay và cả chục ví di động khác còn phải để ý sang bên cạnh xem nhất cử nhất động của Grabpay. Thực tế, nếu tính số lượng người dùng có nạp tiền vào Grabpay và lượng tài xế đang nhận "lương" qua Grabpay, con số này có lẽ đã vượt qua số người dùng thường xuyên của vài ví di động top đầu.
DeliveryNow
Con cưng của Foody, và là hạt nhân chính trong quyết định khiến Sea phải "dốc hầu bao" thâu tóm công ty foodtech Việt Nam cũng là một đích nhắm đến của Grab.
Sau 2 năm ra đời và gần như "làm mưa làm gió" tại thị trường giao đồ ăn trực tuyến với mức tăng trưởng gấp vài lần, trong khi các đối thủ như Eat hay Vietnammm nhạt nhòa, giờ đây DeliveryNow đang đứng trước 1 năm 2018 đầy thách thức.
Việc phát triển quá nóng đã tạo ra cực kỳ nhiều lỗ hổng của tăng trưởng, cũng như việc "không có đối thủ" trong thời gian dài cũng đang khiến đội ngũ vận hành chểnh mảng. Và điều hài hước là, tuy mệnh danh foodtech, nhưng hầu hết các thao tác để khách hàng đặt được 1 đơn hàng giao tới tận nơi là "bằng cơm".
Vì sao Grab dễ dàng hướng ánh mắt vào hướng này? Câu trả lời nằm ở đám đông tài xế Grabbike "ngồi chơi" mà người ta có thể thấy ở những khu đô thị, bến xe. Với 1 lượng tài xế khá lớn, Grab chỉ cần tìm kiếm các nhà hàng sẵn sàng bán đồ ăn online cho họ và ra mắt dịch vụ GrabFood (từ Uber Eat vừa mua được). Và bùm, họ đã có hàng ngàn đơn hàng đồ ăn được phục vụ bởi đội shipper hùng hậu - các tài xế Grabbike.
Với vài trăm nghìn tài khoản khách hàng hàng ngày vẫn đi Grabbike, GrabCar đi làm, đi học, đi chơi, hầu hết là người trẻ tuổi, dân văn phòng năng động ở thành phố lớn, Grab đang sở hữu tập khách hàng mà dịch vụ giao đồ ăn nào cũng thèm muốn.
AhaMove, Giaohangnhanh, Giaohangtietkiem...
Dù cùng ra mắt dịch vụ ship hàng vào giữa năm trước, nhưng cả Uber và Grab đều hầu như không có nhiều cố gắng để tấn công thị trường ship hàng nội thành, ngoài vài tuần khuyến mại GrabExpress hay UberDeliver rồi "mất hút"
Có lẽ vì mải chiến đấu với nhau mà họ không đầu tư nhiều nguồn lực cho dịch vụ này. Bởi điểm yếu cốt tử mà dịch vụ GrabExpress thiếu và mãi không khắc phục đó là ứng tiền COD (Cash on Delivery - chuyển hàng thu tiền hộ). COD đang là dịch vụ cực kỳ cần thiết ở một thị trường mà niềm tin online còn khá thấp như Việt Nam, cộng với việc nhiều người ngại thanh toán trước, thanh toán online qua ngân hàng hay các ví điện tử như MoMo, ZaloPay vẫn chưa được phổ cập.
Một lý do để Grab tham gia mảng này là "công ăn việc làm" cho đội ngũ tài xế Grabbike đông đảo, nhưng còn lý do khác quan trọng hơn: đây là một thị trường quá màu mỡ.
AhaMove từng "khoe" tốc độ tăng trưởng gần 1.000% (tăng hơn 10 lần) trong vòng 1 năm. Nhưng ngay cả công ty giao hàng bá chủ nhất ở thị trường ship nội thành Hà Nội cũng đang làm không hết việc, bởi tại các group ship tự do trôi nổi trên facebook vẫn có tới hàng chục đơn hàng "nổ" mỗi giây.
Hàng chục startup ship hàng vẫn đang ra đời ngày nối ngày, còn các đại gia khu vực như Lalamove, Go-jek cũng đã cập bến Việt Nam. Miếng bánh thị trường này xem ra là quá lớn, quá hấp dẫn.
Câu chuyện sau khi Grab nuốt trọn Uber Đông Nam Á không chỉ là (có thể) họ sẽ tăng chiết khấu với tài xế, giảm khuyến mại với khách hàng, mà còn là việc họ sẽ mở rộng việc đánh chiếm ra nhiều mảng miếng lân cận.
Giờ đây Grab đã là startup chục tỷ USD hiếm hoi tại Đông Nam Á, với độ "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" của mình, họ là kẻ sẽ thách thức nhiều ngành mới chẳng ai ngờ tới.