Thành lập từ năm 2012 nhưng phải đến mấy năm gần đây, Công ty cổ phần Đầu tư cao su Đắk Lắk (DRI) mới thực sự tạo ra được những dấu ấn đáng kể và dần trở thành doanh nghiệp tiềm năng trong ngành. Sự thay đổi lớn của DRI đến từ chiến lược phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của ban lãnh đạo công ty.
Bước chuyển mình sang hướng đi mới – phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của DRI
Trong những năm gần đây, nông nghiệp công nghệ cao là một trong những lĩnh vực được Chính phủ cùng các bộ, ngành và địa phương rất chú trọng và tạo nhiều điều kiện thuận lợi phát triển. Với tầm nhìn dài hạn, tháng 3/2018, Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk đã góp vốn với Công ty TNHH XNK & Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao Bình Dương thành lập Công ty con là Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao DRI với vốn điều lệ 20 tỷ đồng (DRI góp tỷ lệ 75%), tập trung vào các lĩnh vực chính là trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, kinh doanh và xuất khẩu các loại nông sản chất lượng cao như: chuối, mít, sầu riêng, bơ...
Dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của DRI được triển khai với sản phẩm đầu tiên là chuối và sầu riêng xen canh trong vườn cao su trồng mới thuê lại của của Dakruco tại Xã Cưkpô, Huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk. Tổng diện tích trồng chuối xen trong cao su dự kiến là 224,64 ha, năm 2018 DRI đã trồng 76,64 ha; 148 ha còn lại được công ty tiếp tục phát triển trong năm 2019-2020.
Những kết quả khả quan đầu tiên của dự án
Hiện tại, DRI đang trồng loại chuối già lùn Nam Mỹ theo phương pháp nuôi cấy mô đã được triển khai thành công trên nhiều quốc gia. Theo ông Nguyễn Lương Tri, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao DRI cho biết: so với cách trồng chuối truyền thống (tách chồi) thì phương pháp nuôi cấy mô theo hướng công nghệ cao sẽ giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất ổn định, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Hơn nữa, nhờ loại bỏ được tình trạng thoái hóa giống nên tuổi thọ của cây khá dài, sau 5 năm người trồng mới phải đào gốc lên và thay thế bằng lứa mới.
Dự án đầu tư chuối – sầu riêng trồng xen trên vườn cao su tại Cư Kpô, bước đầu có nhiều triển vọng khi thu hoạch chuối vụ đầu. Hiện nay 76,64 ha chuối đã cho sản phẩm xuất khẩu. Tính đến 23/5/2019, DRI đã xuất bán 751 tấn với giá bán bình quân 6.900 VNĐ/kg, doanh thu khoảng 5,2 tỷ đồng. Đây là những tín hiệu vô cùng khả quan trong giai đoạn đầu triển khai dự án.
Chuối già lùn Nam Mỹ được chăm sóc trong giai đoạn trổ buồng
Theo kế hoạch của ban lãnh đạo Công ty cổ phần Cao su Đắk Lắk, năm 2019 dự kiến sản lượng xuất bán 4.950 tấn, giá bán bình quân 5.200 VND/kg. Tuy nhiên với tỷ lệ thành phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và giá bán bình quân cao hơn kế hoạch như hiện nay, DRI có nhiều cơ hội mở rộng thị trường, tăng giá bán và thu được lợi nhuận cao hơn trong tương lai.
DRI sẽ xây dựng hệ thống rừng cao su theo tiêu chuẩn phát triển bền vững
Trong lời chia sẻ tại báo cáo thường niên năm 2018 vừa công bố, ông Nguyễn Viết Tượng-chủ tịch HĐQT DRI nhận định, năm 2018, bên cạnh những vấn đề bất ổn kinh tế, chính trị tại các quốc gia lớn thì vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu đã ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp nói chung, ngành cao su nói riêng vốn dễ bị tổn thương. Tuy vậy, nhờ chiến lược phát triển phải gắn với bền vững, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội, DRI vẫn đạt được nhiều thành tích đáng kể, lọt top những doanh nghiệp có năng suất vườn cây cao su trên 2 tấn/ha, sản phẩm cao su xuất khẩu đã tiếp cận được nhiều khách hàng khó tính như EU, Mỹ, Hàn Quốc…
Cũng theo lãnh đạo DRI, xu hướng phát triển bền vững trong ngành cao su đang ngày một lan rộng với việc ngày càng nhiều nhà tiêu thụ cao su thiên nhiên đưa ra yêu cầu về chứng chỉ bền vững đối với nguồn nguyên liệu. Điều này đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp cao su thiên nhiên của Việt Nam cũng phải nỗ lực thay đổi theo hướng phát triển bền vững để duy trì thị phần lâu dài và ổn định trong bối cảnh giá cao su luôn ở mức thấp trong nhiều năm qua.
Nhận thấy xu hướng tất yếu, DRI tập trung hoàn thiện lộ trình xây dựng công ty theo hướng phát triển bền vững để hướng tới đạt chứng nhận Phát triển bền vững của Hội đồng quản lý Rừng (FSC). Công ty đã ký kết biên bản ghi nhớ với Tổ chức Thiên nhiên và con người (Pan Nature), Tổ chức Oxfarm Việt Nam tham gia hướng dẫn tự nguyện về phát triển bền vững với mục tiêu cụ thể là trở thành doanh nghiệp phát triển bền vững và đạt được chứng chỉ FSC cho toàn bộ diện tích trồng cao su. Việc đạt được chứng chỉ FSC sẽ giúp các sản phẩm mủ của DRI xuất khẩu được vào các thị trường có giá tốt hơn trong bối cảnh những công ty tiêu thụ cao su hàng đầu thế giới như Bridgestones, Goodyear, Michelin... cùng nhau tuyên bố chỉ sử dụng nguyên liệu cao su thiên nhiên bền vững và có khả năng truy xuất nguồn gốc. Theo thống kê thì các sản phẩm có chứng nhận FSC có giá trị kinh tế cao hơn khoảng 20 – 30% so với các sản phẩm thông thường.
4 tháng đạt hoàn thành 30% kế hoạch doanh thu năm 2019 nhờ nông nghiệp công nghệ cao
Trong 4 tháng đầu năm 2019, vượt qua những ảnh hưởng tác động đến giá cao su, công ty vẫn có những kết quả sản xuất kinh doanh tích cực. Hoạt động khai thác cao su của DRI đang tăng tốc mạnh mẽ khi sản lượng khai thác mủ là gần 2.460 tấn, đạt 13,66% kế hoạch năm 2019. Sản lượng về xuất khẩu và bán nội địa mủ cao su là 5.615 tấn, thu về doanh thu 7.192,8 USD và đạt 30% so với kế hoạch năm 2019.
Trong giai đoạn tiếp theo của năm 2019, DRI tiếp tục thực hiện những biện pháp cụ thể như hệ thống hóa cơ sở dữ liệu liên quan đến lao động, tăng cường hợp tác với cộng đồng trong các vấn đề môi trường, triển khai các hoạt động y tế cộng đồng. Việc thực hiện tốt các hoạt động phát triển bền vững sẽ tạo cơ hội lớn cho công ty trong việc nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh, thu hút khách hàng, cũng như cải thiện được năng suất và giảm chi phí nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từ đó thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.