Ông Trần Khanh – Thành viên HĐQT của CTX đã bán thành công gần 3 triệu cp, ứng với tỷ lệ 11.32% vốn đang nắm giữ. Sau giao dịch ông Khanh không còn nắm giữ cổ phiếu CTX nào nữa. Ngược lại, ngay sau khi ông Khanh bán ra, cổ đông lớn của CTX là bà Nguyễn Thị Kim Xuân đã gom vào hơn 2.6 triệu cp, nâng tỷ lệ sở hữu lên 23.21%.
Việc thoái vốn của vị Thành viên HĐTQ CTX cũng khá khó hiểu khi hoạt động kinh doanh năm 2017 của Công ty ghi nhận lãi ròng đột biến gấp 7 lần so với năm trước, đạt 232 tỷ đồng. Trong khi đó, cổ phiếu CTX lại không mấy hưởng ứng với kết quả kinh doanh này khi biến động thất thường với biên độ lớn, nhưng nhìn chung là có dấu hiệu đi lên.
Tại Tổng Công ty Thiết bị Điện Đông Anh - TBD, hai Thành viên HĐQT là ông Nguyễn Văn Giang và ông Nguyễn Đức Công lần lượt đăng ký bán 2 triệu cp và 50.000 cp. Bên cạnh đó, Chủ tịch Trần Văn Quang cũng đăng ký bán hơn 430.000 cp nhưng bất thành trong khoảng thời gian từ 06/02 tới 02/03. Trước đó, hàng loạt lãnh đạo khác của Công ty cũng có đăng ký giao dịch bán. Có lẽ đây là động thái chốt lời của những vị lãnh đạo này khi năm vừa qua, giá cổ phiếu TBD tăng mạnh hơn 85%. Chốt phiên 16/03, giá mỗi cổ phiếu đạt 42,500 đồng.
Đối với Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt- PDR, trước việc đồng nghiệp đăng ký bán hàng loạt sau thông tin cổ phiếu được đưa vào danh mục FTSE ETF, Phó Chủ tịch Trần Thị Hường cũng đăng ký bán 112,000 cp trong tổng số 132,000 cp đang nắm giữ trong khoảng thời gian từ 14/3 đến 12/04. Cùng thời gian này, Thành viên HĐQT Nguyễn Thanh Tân cũng đăng ký bán toàn bộ 22,000 cp đang giữ trong tay.
Trong đó, cổ phiếu PDR đã đỏ 4 phiên liên tiếp trong tuần vừa qua. Thị giá cổ phiếu hiện đang là 39,300 đồng/cp, giao dịch vẫn hết sức sôi động, bình quân mỗi phiên trong tuần qua qua có tới gần 300,000 triệu cp được giao dịch.
Một diễn biến ở Công ty cổ phần Mai Linh Miền Bắc-MLN, cổ đông lớn Hồ Chương, em ruột của Chủ tịch HĐQT đăng ký bán gần 5 triệu cp với lý do giải quyết nhu cầu cá nhân. Cùng thời điểm, CTCP Tập đoàn Mai Linh (MLG) đăng ký mua vào 5.8 triệu cp nhằm tăng sở hữu đối với MLN lên trên 59%.
Ông Nguyễn Đình Thắng - Ủy viên HĐQT của Công ty Cổ phần An Thịnh - ATB đăng ký bán 660,000 cp, ứng với 4.75% vốn điều lê nhằm tiêu dùng cá nhân. Tuy nhiên với mức giá chốt phiên 16/03 là 1,500 đồng/cp, dự kiến ông Thắng sẽ thu về gần 1 tỷ đồng.
Lên sàn UPCoM hồi tháng 8/2017 với giá tham chiếu là 10,800 đồng/cp, cổ phiếu ATB liên tục đi xuống. Dù vậy, từ khi cổ phiếu lên sàn, lãnh đạo và người thân của ATB liên tục giao dịch bán cổ phiếu. Mở đầu với giao dịch bán hết 425,000 cp, ứng với 3.06% vốn của ông Lỗ Đình Doãn, con của Chủ tịch HĐQT Lô Đình Ních. Sau đó là ông Đăng Danh Sinh, Ủy viên HĐQT với giao dịch bán 650,000 cp. Đồng thời, người nhà của Phó Giám đốc Lê Văn Hiếu là ông Lê Văn Huy cùng bà Lê Thị Hà đã bán thành công tổng cộng 700,000 cp.
Điều đáng nói, ATB lên sàn với cơ cấu toàn bộ cổ đông là cá nhân. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh trong giai đoạn 2014 -2017 của ATB không mấy nổi bật khi lãi ròng cao nhất chỉ đạt hơn 7 tỷ đồng năm 2016. Và lãi ròng sụt giảm tới 50% trong năm 2017, khi chỉ đạt 3.3 tỷ đồng. Nhìn vào những động thái trên không khỏi nghi ngờ việc ATB lên sàn là nhằm tạo điều kiện cho lãnh đạo tháo chạy?
Nhìn nhận hiện tượng cổ đông nội bộ, cổ đông lớn bán ra cổ phần, nhiều ý kiến cho rằng, lý do chính là họ tranh thủ TTCK khởi sắc, giá cổ phiếu của công ty tăng cao nên bán ra nhằm thu lời.
Thực tế cho thấy, cũng có nhiều lý do khác nhau trong việc thoái vốn cổ phần, chứ không hẳn là do doanh nghiệp chuẩn bị ra thông tin xấu như nhiều người lo ngại. Tuy nhiên, trường hợp các cổ đông nội bộ “chạy trước” cũng là một thực tế khá phổ biến, giống như trường hợp các cổ đông nội bộ đăng ký mua vào cổ phiếu thường báo hiệu doanh nghiệp chuẩn bị công bố thông tin tốt, ví dụ kết quả kinh doanh khả quan.