Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh đánh giá kinh tế thành phố trong 8 tháng đầu năm có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh toàn cầu đang chịu tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ Trung.
"Trong nước, tỷ giá USD tăng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp nhất trong nhiều năm qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi lan rộng khắp các tỉnh thành và thời tiết diễn ra không thuận lợi", đơn vị này chỉ rõ.
Tuy nhiên, đối với phần thu ngân sách nhà nước, trong 8 tháng đầu năm, TP. Hồ Chí Minh vẫn tăng được 5,8% so với cùng kỳ.
Cụ thể, mức thu ước thực hiện được là 258.629 tỷ đồng, đạt 64,8% dự toán. Trong đó, thu nội địa 164.703 tỷ đồng, đạt 60,5% dự toán, tăng 2,1% so cùng kỳ; thu từ dầu thô 15.927 tỷ đồng, đạt 88,5% dự toán, tăng 1,2% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 78.000 tỷ đồng, đạt 71,7% dự toán, tăng 15,6% so cùng kỳ.
Cục Thống kê thành phố cho biết thu cân đối ngân sách địa phương 8 tháng năm 2019 ước thực hiện 44.818 tỷ đồng, đạt 60,4% dự toán, giảm 13,4% so cùng kỳ năm 2018.
Tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) 8 tháng năm 2019 ước thực hiện 35.249 tỷ đồng, đạt 39,7% dự toán, tăng 0,6% so cùng kỳ. Chi đầu tư phát triển 10.087 tỷ đồng, đạt 31,9% dự toán, giảm 28% so cùng kỳ. Chi thường xuyên 22.849 tỷ đồng, đạt 48,2% dự toán, tăng 19,4% so cùng kỳ.
Phần thu và chi của TP. Hồ Chí Minh vốn là vấn đề được các chuyên gia kinh tế bàn đến khi là đầu tàu cả nước, đóng góp mạnh cho ngân sách, nhưng TP. Hồ Chí Minh đang gặp nhiều vấn đề về nguồn lực được giữ lại.
TS. Huỳnh Thế Du từng nhiều lần nhắc đến việc TP. Hồ Chí Minh phải san sẻ nguồn thu ngân sách cho cả nước. Chiếm 9,5% dân số và đóng góp khoảng 27,5% tổng thu ngân sách, lẽ ra thành phố phải được sử dụng 9,5% ngân sách nhưng thực tế tỷ lệ sử dụng chỉ là 5,2% cho duy trì và phát triển. Điều này khiến cho thành phố không còn nguồn lực tài chính công để đầu tư cho hạ tầng.
Trong một bài phân tích đăng tải trên báo chí hồi đầu năm, ông Du cho biết bình quân mỗi người dân TP. HCM đóng góp vào ngân sách cả nước cao gần gấp 3 lần bình quân của cả nước (27,5 %/9,5% = 2,9), chi ngân sách chỉ bằng 53% bình quân của cả nước.
"Nếu tính dân số trên thực tế khoảng 14% thì con số còn thấp hơn rất nhiều. Khi tính toán theo số chi tại các địa phương và dân số thực tế thì TPHCM bằng chưa đến 80% bình quân của cả nước", ông viết.
Theo ông, giai đoạn đầu thập niên 1980, TP. Hồ Chí Minh được giữ lại hơn 40% nguồn thu ngân sách, nhưng tỷ lệ này giảm xuống quanh mốc 30% vào đầu thập niên 1990. Đến nay thì chỉ còn hơn 20%. Chi ngân sách của thành phố trong những năm gần đây vào khoảng 7 - 8% GRDP, tức chỉ bằng 1/3 Thượng Hải, Bắc Kinh và bằng một nửa so với Hà Nội hay Singapore.
Những điều này được ông nhận định là có sự mất cân đối tài chính nghiêm trọng. Từ đó dẫn đến việc thành phố khó có cơ sở để phát triển bền vững, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và cơ hội phát triển thịnh vượng của thành phố nói riêng, cả đất nước nói chung.