Sở Công Thương Lào Cai cho rằng, thời gian tới hoạt động sản xuất trong nước sẽ phải cạnh tranh với nguồn hàng tiêu dùng khổng lồ từ Trung Quốc được nhập khẩu thông qua hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành khu vực phía Bắc lần thứ 10, năm 2024 và thông qua báo cáo về Tình hình hoạt động năm 2023 và ước 6 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2024 của ngành Công Thương.
Đáng chú ý, trong báo cáo của các địa phương, báo cáo của tỉnh Lào Cai đưa ra chi tiết việc phía Trung Quốc đã và đang xây dựng, vận hành kho hàng lớn tại gần biên giới Việt Nam với tên gọi Khu thí điểm thương mại điện tử Trung Quốc - ASEAN (Hà Khẩu).
Báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho biết qua các chuyến khảo sát và thông tin từ phía Trung Quốc, tỉnh Vân Nam đã hình thành Khu thí điểm thương mại điện tử Trung Quốc - ASEAN (Hà Khẩu) và ở một số cửa khẩu khác dọc trên tuyến biên giới Việt - Trung cũng đang được phía Bạn triển khai.
Theo Sở Công Thương Lào Cai, điểm gần nhất của Khu thí điểm này là khu Hồng Hà cách cửa khẩu đường bộ Hà Khẩu (Ck số I) 3km. Tổng diện tích sử dụng đất của kho hàng này lên đến 128 mẫu, diện tích xây dựng 660.000 m2. Tổng mức đầu tư 3,68 tỷ NDT (tương đương 525 triệu USD), tương đương hơn 13.100 tỷ đồng.
Sở Công Thương Lào Cai cho biết, các kho hàng, trung tâm Thương mại điện tử tại khu vực biên giới này có chức năng "thu gom trong nước + phân phối ở nước ngoài". Cung cấp chức năng giao hàng trực tuyến, livetream bán lẻ… cung cấp dịch vụ khai báo, kiểm tra, khai báo đặt hàng; gửi bưu kiện trong nước đi nước ngoài, tiếp nhận, mở các bưu kiện nước ngoài, trung chuyển các bưu kiện quá cảnh,...
Đánh giá của Sở Công Thương Lào Cai khẳng định, thời gian tới hoạt động sản xuất trong nước sẽ phải cạnh tranh với nguồn hàng tiêu dùng khổng lồ từ Trung Quốc được nhập khẩu thông qua hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại thì những mặt hàng đặc trưng (cà phê, sản phẩm OCOP,...) của Việt Nam có thể tận dụng kênh phân phối này và hệ thống logistics phía Trung Quốc để đưa hàng đến tay người tiêu dùng Trung Quốc.
Về hoạt động thương mại của Lào Cai, tỉnh này cho biết hoạt động xuất nhập khẩu của địa phương vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc chưa mở rộng được nhiều các thị trường khác; tính liên kết giữa các doanh nghiệp chưa cao; chi phí logistics cao; công tác nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường, định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế; thông tin liên kết vùng, liên kết doanh nghiệp chưa chặt chẽ; hạ tầng giao thông, logistics phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu còn nhiều hạn chế. Ở chiều ngược lại, hệ thống logistics và hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới phía Trung Quốc đang rất phát triển.
Về giải pháp, Sở Công Thương Lào Cai mong muốn đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt và đường hàng không; xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu; triển khai thí điểm Khu thương mại tự do và Trung tâm logistics quốc tế; Triển khai nâng cấp, mở mới các cửa khẩu, lối thông quan.
Địa phương này dự kiến sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại biên giới, khu thương mại trong Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai theo quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu; xây dựng các chợ đầu mối bán buôn, các siêu thị tổng hợp quy mô lớn.
Địa phương kiến nghị Bộ Công THương cho phép tranh thủ tối đa sự hỗ trợ từ Trung ương, huy động tốt từ nguồn nội lực của tỉnh, trong nước và quốc tế để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong lĩnh vực Công Thương, nhất là hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; phát triển lưới điện. Phát triển mạng lưới Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, xăng dầu, khí đốt, khu kinh tế cửa khẩu,...
Về đề xuất, phía Lào Cai đề xuất xây dựng khu thương mại tự do, Khu thí điểm thương mại điện tử qua biên giới, Khu hợp tác kinh tế qua biên giới tại Lào Cai, đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước Asean với vùng Tây Nam - Trung Quốc.