Mùa đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của các Ngân hàng đã gần như kết thúc, khi hầu hết các ngân hàng đã tổ chức thành công.
Năm nay, có 7/20 ngân hàng có đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng (hoặc tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng) năm 2019 cao hơn năm 2018, còn lại 11/20 ngân hàng mục tiêu tăng trưởng tín dụng (hoặc tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng) năm 2019 thấp hơn kết quả đạt được năm 2018. Các ngân hàng tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cho vay theo hướng giảm cho vay trung dài hạn.
Đối với nhóm ngân hàng có quy mô tài sản quanh mức 100.000 tỷ đồng trở xuống gồm OCB , Bac A Bank, ABBANK , Nam A Bank, Viet A Bank, Kienlong Bank, ngoại trừ Viet A Bank đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tổng dư nợ tín dụng thấp, ở mức 6%, thì 5/6 ngân hàng còn lại công bố chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng cao hơn mức 14%.
Nguồn: Số liệu báo cáo các ngân hàng
Tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng kế hoạch, có 2 ngân hàng gồm ABBANK và OCB đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn kết quả đạt được năm 2018, lần lượt 17% và 30%; 3 ngân hàng còn lại gồm Kienlong Bank, Nam A Bank, Bac A Bank đều có mức tăng trưởng kế hoạch thấp hơn kết quả đạt được năm 2018.
Về kế hoạch lợi nhuận, kế hoạch lợi nhuận trước thuế của 20 ngân hàng tăng trưởng bình quân 17,85% so với kết quả thực hiện năm 2018. Riêng đối với nhóm ngân hàng có quy mô tài sản quanh mức 100.000 tỷ đồng trở xuống có kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng trung bình 31,2% so với kết quả thực hiện năm 2018 và có sự phân hóa rõ rệt.
Năm nay, Ngân hàng OCB đưa ra chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế 3.200 tỷ đồng, tăng 45,3% so với thực hiện năm 2018, trên bối cảnh OCB đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận triển khai trước thời hạn Thông tư 41 (Basel II) với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho khách hàng 30%, tăng trưởng huy động trên thị trường 1 là 24%, so với năm trước tăng trưởng huy động 18% và tăng trưởng tín dụng cho khách hàng 19%.
OCB sẽ đẩy mạnh doanh số bán và đa dạng hóa sản phẩm phi lãi suất, đưa tỷ lệ thu ngoài lãi lên 30% tổng thu thuần. Đầu tư ngân hàng số và ưu tiên số hóa quy trình là 2 trong 6 chương trình và sáng kiến trọng tâm để hiện thực hóa mục tiêu kinh doanh đã đề ra của OCB.
Xếp thứ 2 về lợi nhuận đã đạt được trong năm 2018, Ngân hàng An Bình (ABBANK) đưa ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế hơn 1.200 tỷ đồng, tăng trưởng 35,4% so với năm 2018, trên kịch bản tăng trưởng huy động và tăng trưởng tín dụng năm 2019 cao hơn năm 2018, lần lượt ở mức 28% và ~17%.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp ABBANK đưa ra mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng rất cao so với kết quả đạt được của năm trước đó (kế hoạch lợi nhuận năm 2018 tăng 49%).
Lãnh đạo ABBANK cho biết, kết quả kinh doanh mà ngân hàng đạt được trong năm 2018 là nền tảng để ABBANK xây dựng kế hoạch cho năm 2019. ABBANK tự tin sẽ đạt được kế hoạch kinh doanh năm 2019 đã đề ra.
Bởi, năm 2018, chất lượng tín dụng tiếp tục được ABBANK chú trọng với định hướng “phát triển gắn với bền vững, hiệu quả”. Cơ cấu kinh doanh của ABBANK đã có sự dịch chuyển rõ theo hướng bán lẻ thông qua sự tăng trưởng mạnh về phí dịch vụ, đóng góp đến 37,4% tổng lợi nhuận trước thuế của ABBANK.
ABBANK đã triển khai thành công hệ thống API - giải pháp quản trị dịch vụ kết nối với các đối tác bên ngoài, bao gồm fintex; thẻ Visa contactless – thanh toán không tiếp xúc; triển khai Thu thuế hải quan điện tử 24/7.
Năm nay, mục tiêu chiến lược của ABBANK sẽ là phát triển công nghệ ngân hàng số kết hợp với nguồn nhân sự chất lượng cao để tạo nền tảng đột phá về sản phẩm cạnh tranh đối với phân khúc khách hàng cá nhân và SMEs. ABBANK kỳ vọng mảng Digital Banking sẽ đóng góp 200 tỷ đồng lợi nhuận và thu hút 1.000.000 khách hàng mới cho ngân hàng trong năm 2019.
Được biết, công nghệ số hóa, sinh trắc học, nền tảng Big Data mà ABBANK đang triển khai ứng dụng có thể đem đến những trải nghiệm cá nhân hóa và vượt trội cho khách hàng. ABBANK cũng đang xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số, kết hợp với các hệ sinh thái khởi nghiệp, các đối tác bán lẻ, thương mại điện tử, các mô hình co-working space.
Ở vị trí thứ 3, Ngân hàng Bắc Á (Bac A Bank) đưa ra mục tiêu lợi nhuận 920 tỷ đồng, tăng 9,5% so với kết quả năm 2018. Tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động năm 2019 lần lượt 15% và 15%, bằng năm 2018.
Tương tự Bac A Bank, Nam A Bank và Kienlong Bank đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2019 tăng trưởng lần lượt 7,6% và 5,5% so với năm 2018, ở mức 800 tỷ đồng và 306 tỷ đồng. Năm nay, Nam A Bank sẽ triển khai mô hình bán Digital qua App NamABank, siêu thị tài chính, ATM, Facebook…
Năm 2019, trước chủ trương giảm tốc tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, với định hướng tăng trưởng 14% bằng với kết quả đạt được năm 2018, giới chuyên môn trong ngành đánh giá những ngân hàng “nhanh chân” xoay chuyển chiến lược kinh doanh, dịch chuyển sản phẩm, đẩy mạnh bán lẻ, phát triển ngân hàng số… sẽ có lợi thế đảm bảo hoạt động kinh doanh tăng trưởng ổn định.