Khi cổ phiếu DIG giảm từ đỉnh 120.000 đồng liên tục tìm đáy mới, Phó Chủ tịch Nguyễn Hùng Cường của công ty đã đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu đúng lúc "nước sôi lửa bỏng" khiến cho cổ phiếu DIG sau đó đã có màn tăng trần hồi phục ngoạn mục.
DIG giảm sàn sau khi Phó Chủ tịch 8X chỉ mua 145.000 cổ phiếu
Thời điểm DIG công bố ông Hùng đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu giới đầu tư đánh giá đây là hành động "cứu giá" khi DIG liên tục tìm đáy mới kể từ khi xác lập đỉnh gần 120.000 đồng/cổ phiếu. Nhiều cổ đông DIG nói riêng và bất động sản nói chung rất cảm kích trước hành động này của ông Cường vì đã mua vào lúc cổ phiếu "rơi không phanh". Thực tế ngay sau hành động của ông Cường đăng ký mua vào, cổ phiếu DIG đã hồi phục ngoạn mục.
Trong khoảng thời gian từ 18/1 đến 18/2, cổ phiếu DIG biến động mạnh nhưng đã hồi phục mạnh từ đáy 63.800 đồng/cổ phiếu lên mức 95.000 đồng/cổ phiếu. Hàng loạt cổ đông bớt lỗ.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo DIG vừa báo cáo giao dịch chỉ mua được 145.000 cổ phiếu trong tổng số 5 triệu cổ phiếu đăng ký mua. Điều này khiến cổ đông của doanh nghiệp thất vọng cho rằng hành động đăng ký mua vào trước đó chỉ là "đòn gió" khi cổ phiếu giảm mạnh xuống 6x nhưng vị Phó Chủ tịch không hề mua đủ số lượng.
"Là cổ đông của doanh nghiệp tôi khá thất vọng vì Phó chủ tịch đăng ký mua 5 triệu đơn vị nhưng chỉ mua vào lượng nhỏ 145.000 cổ phiếu dù cổ phiếu có lúc đã rớt giá 1 nửa so với đỉnh của DIG. Có thể ngay từ ban đầu lãnh đạo này chỉ định trấn an nhà đầu tư chứ không định mua hết số lượng".
Đó là phía cổ đông suy luận, thực thế ông Cường cho biết lý do không mua đủ số lượng là "diễn biến giá không phù hợp", tức giá đáy của DIG hơn 63.800 đồng vừa qua cũng chưa đủ hấp dẫn để vị lãnh đạo này mua vào.
Phản ứng với thông tin trên, ngay mở phiên ngày 22/2, cổ phiếu DIG đã bị bán mạnh ra dẫn đến giảm sàn ngay phiên ATC. Chốt phiên sáng, DIG đã giảm sàn xuống 88.400 đồng/cổ phiếu, thanh khoản 9,3 triệu cổ phiếu.
Cổ đông lớn mua bán loạn xạ
Phó Chủ tịch Nguyễn Hùng Cường sinh năm 1982 và là con trai của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn và xuất thân là một kỹ sư xây dựng. Kể từ khi được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch của DIG, ông Cường liên tục gom vào cổ phiếu DIG với đơn vị hàng triệu cổ phiếu mỗi lần đăng ký. Tính từ năm 2018 đến nay ông Cường đã mua vào hàng chục triệu cổ phiếu DIG nâng sở hữu lên 51,4 triệu cổ phiếu DIG (8,94% vốn), tương ứng giá thị trường hơn 4.600 tỷ đồng. Ông Cường cũng không bán ra cổ phiếu nào giai đoạn này mà chỉ tăng sở hữu.
Cha anh là ông Nguyễn Thiện Tuấn cũng đang năm giữ 50,4 triệu cổ phiếu DIG tương ứng giá trị hơn 4.500 tỷ đồng.
Trái lại với bố con Chủ tịch HĐQT chỉ mua vào và ít bán ra cổ phiếu DIG thì vợ chủ tịch là bà Nguyễn Thị Hà Thành đã bán gần hết cổ phiếu DIG khi bán ra 1,6 triệu cổ phiếu vào cuối tháng 11. Trong khi vị em dâu ông Tuấn lại đăng ký mua vào 500.000 cổ phiếu đúng đỉnh của cổ phiếu DIG vừa rồi.
Trong cơ cấu cổ đông của DIG có hai cổ đông lớn là Công ty Đầu tư phát triển Thiên Tân và Công ty Kinh doanh Địa ốc Him Lam. Dù là hai cổ đông lớn nhất của DIG nhưng hai cổ đông này thường xuyên lướt sóng cổ phiếu. Ngay trên đỉnh giá của cổ phiếu Địa ốc Him Lam đã bán ra gần 15 triệu cổ phiếu. Khoảng thời gian này cũng là cơn địa chấn biến động của DIG khiến nhà đầu tư điêu đứng.
Về kết quả kinh doanh DIG, quý 4 doanh nghiệp đạt doanh thu thuần 914 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 818 tỷ đồng, tăng lần lượng 46,4% và 62% so với cùng kỳ.
Ban lãnh đạo công ty cho biết, trong quý công ty đã ghi nhận chênh lệch do đánh giá tài sản dùng để góp vốn lên tới 861 tỷ đồng. Như vậy, cú hích tăng lợi nhuận không phải đến từ hoạt động kinh doanh nổi bật mà chủ yếu đến từ đánh giá lại tài sản.
Lũy kế cả năm 2021 doanh thu thuần đạt 2.569 tỷ đồng, nhích nhẹ 3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong kỳ chi phí vốn giảm cộng với chi phí tài chính giảm một nửa so với cùng kỳ, các khoản chi khác cũng không tăng quá đột biến nên dẫn tới lợi nhuận trước thuế đạt 1.228 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 953 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mới đây, DIC Corp đã xây dựng kế hoạch năm 2022 với cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng mạnh; doanh thu và các thu nhập khác dự kiến đạt 4.612 tỷ đồng, tăng 62% so với ước thực hiện năm 2021. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cũng dự kiến tăng trưởng 59% so với ước thực hiện năm 2021, lên 1.910 tỷ đồng. Dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 20%-25%.
Trong năm 2022 công ty cũng dự kiến về việc tăng vốn điều lệ. Theo đó vốn điều lệ sẽ giao động trong khoảng 5.700 tỷ đồng như hiện nay lên khoảng 8.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển gần 12.000 tỷ đồng.
Mới đây Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng gây sốc giới tài chính khi DIG đang ở đỉnh 120.000 đồng/cổ phiếu đã công bố báo cáo phân tích khuyến nghị nhà đầu tư nên bán cổ phiếu DIG vì định giá không còn hấp dẫn. VDSC định giá mục tiêu cho cổ phiếu DIG là 36.100 đồng/cp là hợp lý, tương đương mức giảm gần 70% so với giá trị hiện tại.
VDSC đánh giá DIG có quỹ đất lớn nhưng thời gian triển khai không chắc chắn, điều này sẽ càng làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, DIG đang tập trung phát triển 7 dự án với tổng diện tích là 802 ha. Trong đó, 406 ha quỹ đất được đảm bảo, tương đương 51% tổng diện tích. Tuy nhiên, DIG đã chuyển nhượng một số dự án có vị trí tốt bao gồm Đại Phước (45 ha), cùng với việc hoàn thành bàn giao Gateway (2,3 ha) và bán hàng tại Nam Vĩnh Yên giai đoạn 1 và 2 (140 ha). Vì vậy, dự kiến quỹ đất sạch còn lại để phát triển ước tính vào khoảng 266 ha.
VDSC dự phóng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của DIG trong năm 2022 dự kiến sẽ thấp hơn so với năm 2021 do không có thu nhập đột biến.