Theo báo cáo tài chính Quý 1/2021 đã công bố, 7/10 doanh nghiệp niêm yết lãi lớn nhất là các ngân hàng. Danh sách lần lượt là Vietcombank, VietinBank, Hoà Phát, Vinhomes, Techcombank, MB, VPBank, BIDV, Vinamilk và ACB.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch COVID-19, thì việc các ngân hàng - vốn nắm trong tay "huyết mạch" của nền kinh tế lại là những doanh nghiệp lãi lớn nhất, là thông tin đáng lưu ý.
Mức tăng trưởng lợi nhuận quý 1 của 7 nhà băng nêu trên đều rất ấn tượng; thấp nhất là VPBank với 37,6%, còn lại là các ngân hàng khác đều cao trên 65%, thậm chí là gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 3 tháng đầu năm, ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất là Vietcombank với mức lợi nhuận 8.631 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Vietinbank với 8.060 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với quý 1/2021 và đã hoàn thành tới 40-45% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2021.
Theo sau là Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế 5.518 tỷ đồng, tăng 76%; MB đạt lợi nhuận 4.579, tăng gấp đôi cùng kỳ; VPBank báo lãi 4.006 tỷ đồng, tăng 37,6%; BIDV xếp thứ 6 với mức lợi nhuận 3.396 tỷ đồng, tăng 87%. Cuối cùng là ACB với mức lợi nhuận trước thuế 3.104 tỷ đồng, tăng 83%.
Lợi nhuận các ngân hàng ấn tượng chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần tăng mạnh, với yếu tố chính là chi phí lãi đầu vào giảm mạnh, trong bối cảnh cả tín dụng và huy động đều không thay đổi quá nhiều so với đầu năm.
Bên cạnh đó, việc các nhà băng tích cực tiết giảm chi phí hoạt động cũng đóng góp tích cực vào hiệu quả kinh doanh. Đơn cử, chi phí hoạt động của Vietcombank quý 1 đã giảm 3% và chi phí lãi cũng đã giảm gần 20% đẩy thu nhập lãi thuần tăng mạnh 11,5% so với cùng kỳ năm 2020.
ACB, VPBank, Techcombank đều là những ngân hàng dẫn đầu trong cắt giảm chi phí hoạt động, với biên độ từ 15-22% so với cùng kỳ năm ngoái, cùng với đó là chi phí lãi cũng giảm từ 18 – 28%, trong khi thu nhập lãi lại chỉ tăng hoặc giảm rất ít, cho thấy doãn chênh lãi suất huy động - cho vay tiếp tục được nới rộng đáng kể trong 3 tháng đầu năm.
Như Vietcombank từ đầu năm 2021 đã giảm lãi suất huy động từ 4,3-6,8%/năm xuống mức 3-5,6%/năm với kỳ hạn 1 tháng và 12 tháng. Hay như ACB cũng đã giảm từ 5-7%/năm xuống mức 3-5,5%/năm với kỳ hạn 1 tháng và 12 tháng.
Ở chiều ngược lại, dù có hiện tượng thừa vốn, và NHNN nhiều lần chỉ đạo các ngân hàng cần giảm lãi suất, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, mặt bằng lãi suất có giảm, song biên độ giảm lại không lớn như lãi suất huy động, là nguyên nhân dẫn tới thu nhập lãi của các ngân hàng tăng mạnh thời gian qua.
Theo thống kê của NHNN, lãi suất cho vay cuối năm 2020 giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019. Tuy nhiên, giảm chủ yếu ở các lĩnh vực, ngành ưu tiên. Lãi suất cho vay trên thị trường với các khoản cấp mới, theo thực tế khảo sát của Nhadautu.vn từ giữa năm 2020 đến nay là khoảng 8,5-10%/năm. Còn các khoản vay cũ vẫn áp dụng mức cho vay phổ biến 10,5-12%/năm.
Theo tính toán của một số công ty phân tích, hiện NIM (biên độ lãi ròng)của hệ thống ngân hàng đang rất cao, khoảng 4,5% - là mức cao nhất trong khoảng 15 năm trở lại đây. Có thể thấy rằng trong quý 1 các ngân hàng đã được hưởng lợi rất lớn từ việc lãi suất huy động giảm. Ngoài ra, một số đơn vị có lợi thế với tiền gửi không kỳ hạn lớn (CASA) như Vietcombank, Techcombank, cũng giúp kéo chi phí vốn xuống thấp.
Ngoài lợi nhuận đến từ cấp tín dụng, thì thu từ dịch vụ, kinh doanh chứng khoán đang gia tăng tỷ trọng trong kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong năm 2021. Như Vietcombank ghi nhận lãi từ dịch vụ tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, đạt 3.427 tỷ đồng. Mua bán chứng khoán kinh doanh cũng mang về 80 tỷ đồng lãi, trong khi cùng kỳ lỗ 54,4 tỷ đồng.