Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa thông tin về tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 10 tháng năm 2019, trong đó có nhiều điểm đáng chú ý.
Tốc độ tăng giải ngân vốn cao hơn đăng ký
Cụ thể, theo Cục đầu tư nước ngoài, trong 10 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 29,11 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 16,21 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Vốn đăng ký mới đến ngày 20/10/2019, cả nước có 3.094 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 25,9% số dự án so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký cấp mới 12,83 tỷ USD, bằng 85,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Nhìn vào số liệu nêu trên cho thấy, tốc độ tăng giải ngân vốn cao hơn đăng ký. Cơ quan công bố số liệu cho biết, vốn đầu tư đăng ký cấp mới giảm so với cùng kỳ do quy mô dự án giảm và nếu không tính các dự án lớn trên 1 tỷ USD, tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 10 tháng năm 2019 tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2018.
10 tháng năm 2019 dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư lớn nhất là 420 triệu USD. Trong khi đó, theo số liệu của 10 tháng năm 2018 có một số dự án lớn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới như dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội – Nhật Bản đầu tư với tổng vốn đăng ký 4,14 tỷ USD; dự án nhà máy sản xuất Polypropylene và kho ngầm chứa dầu mỏ hóa lỏng – Hàn Quốc đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,2 tỷ USD tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
Điều đáng nói là trong khi đang có rất nhiều nhận định cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tạo nên cơ hội và biến Việt Nam thành điểm đến của dòng vốn FDI hiện nay. Vậy thì, câu hỏi đặt ra tại sao tăng trưởng vốn đăng ký lại thấp; đó là chưa kể theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài các dự án đăng ký đầu tư giai đoạn trước không thấy tăng mạnh về vốn bổ sung.
Cụ thể, vốn điều chỉnh có 1.145 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, tổng vốn đăng ký điều chỉnh 5,47 tỷ USD, bằng 83,6% so với cùng kỳ năm 2018.
10 tháng năm 2019, quy mô điều chỉnh mở rộng vốn của các dự án nhỏ, không có dự án tăng vốn lớn như trong cùng kỳ 2018. Nhìn lại số liệu năm ngoái, 10 tháng năm 2018 đã từng có dự án Công ty TNHH Laguna – Singapore điều chỉnh tăng vốn thêm lên tới 1,12 tỷ USD.
Đây có lẽ là một trong những lý do vì sao nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam chưa đón được dòng vốn đầu tư có chất lượng trong bối cảnh vốn FDI đang dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, mà chỉ là những dự án tầm trung.
Góp vốn mua cổ phần tăng mạnh
Nếu nhìn vào những số liệu mà Cục đầu tư nước ngoài vừa công bố, cũng cho thấy một điểm đáng chú ý nữa đó là việc về góp vốn, mua cổ phần tăng rất mạnh trong thời gian qua. Trong 10 tháng đầu năm 2019, cả nước có 7.509 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 10,81 tỷ USD, tăng 70,5% so với cùng kỳ 2018 và chiếm 37,1% tổng vốn đăng ký.
Thực tế thì, điều này không phải quá bất ngờ bởi đầu tư theo hình thức góp vốn mua cổ phần có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể năm 2017 đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chiếm 17,02% tổng vốn đăng ký, năm 2018 chiếm 27,78%, 10 tháng năm 2019 chiếm 37,1% tổng vốn đăng ký. Xu hướng mua bán sáp nhập cũng sẽ trở thành cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác theo xu hướng toàn cầu hóa.
Nhưng nhìn vào số liệu qua 3 năm từ 2017-2019 thì rõ ràng, con số này tăng mạnh, sôi động và lan rộng hơn rất nhiều ở trong năm 2019.
Theo đánh giá của giới đầu tư, thủ tục đơn giản, thuận tiện chính là điều kiện khiến ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn đầu tư vào Việt Nam theo hình thức góp vốn, mua cổ phần. Một giải pháp đầu tư đơn giản mà hiệu quả.
Song, bên cạnh đó, trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung chưa có hồi kết, đây là hình thức đầu tư khiến các nhà đầu tư nhanh chóng "né" được hệ lụy của cuộc chiến này nhất. Việt Nam được coi là "vịnh tránh bão" an toàn cho các nhà đầu tư. Đầu tư theo hình thức M&A cũng là cách để nhà đầu tư sớm thâm nhập thị trường Việt Nam, nhằm tận dụng các cơ hội do các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mang lại.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kông có xu hướng tăng nhanh so với cùng kỳ. Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài đã nhấn mạnh cụm từ "do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung" khi đưa ra nhận định về luồng vốn đầu tư từ hai thị trường này. 10 tháng qua, vốn đầu tư từ Trung Quốc đã tăng 2 lần (đạt 3,2 tỷ USD), từ Hồng Kông tăng 3,94 lần (6,447 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.
Một thông tin quan trọng khác, chưa từng được đưa ra trong các bản báo cáo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, nhưng lại được nhấn mạnh trong báo cáo vừa được công bố. Đó là, trong 10 tháng năm 2019, số lượng các đoàn sang làm việc, tìm hiểu cơ hội đầu tư tăng khá mạnh, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhiều đoàn tìm hiểu cơ hội để dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Các đối tác chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore.
Trong bối cảnh Việt Nam duy trì ổn định vĩ mô, có nhiều yếu tố hỗ trợ sản xuất, nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn khó khăn và nhiều thương hiệu bị nước ngoài thâu tóm, thì những con số này rõ ràng là đáng suy ngẫm.
Với những con số nêu trên đã một lần nữa khẳng định những tác động quan trọng của thương chiến Mỹ - Trung đối với tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Một báo cáo về xu hướng đầu tư ra nước ngoài được Cục Đầu tư nước ngoài xây dựng gần đây cho biết, cả Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang tăng mạnh đầu tư ra nước ngoài. Đây là những nhà đầu tư có chất lượng. Nếu biết nắm lấy cơ hội, Việt Nam sẽ có cơ hội tăng chất lượng dòng vốn FDI.