Khách hàng tố mất tiền dù gửi tại hội sở ngân hàng
Theo thông tin phản ánh trên báo chí, từ tháng 9/2011, bà Huỳnh Tuyết Hằng đến Hội sở ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tại địa chỉ 41-45 Lê Duẩn (phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM) để thực hiện các giao dịch tiền gửi. Cho đến thời điểm tháng 1/2019, bà Hằng đứng tên 1 sổ tiết kiệm trị giá 4,7 tỷ đồng và chồng bà Hằng đứng tên một sổ tiết kiệm với giá trị 1 tỷ đồng (tổng cộng 2 số tiết kiệm có trị giá 5,7 tỷ đồng).
Tuy nhiên, đến thời điểm năm 2019, hai sổ tiết kiệm trên được OCB trả lời là sổ giả và cho rằng trách nhiệm thuộc về một cá nhân, từng là nhân viên ngân hàng là bà Vũ Phương Thảo.
Giải thích từ phía OCB là vậy nhưng đáng chú ý là theo bà Hằng, mọi giao dịch của bà này đều được thực hiện tại Hội sở của OCB, giao dịch trực tiếp và công khai.
Theo chia sẻ của bà Hằng, trong quá trình gửi tiền tiết kiệm tại OCB từ năm 2011 đến năm 2019, bà vẫn nhận lãi hàng tháng đúng kỳ hạn và chỉ đến khi không nhận được số tiền lãi như thường lệ bà Hằng phản hồi lại và biết được bà Vũ Phương Thảo đã thôi việc tại ngân hàng từ tháng 5/2018, cùng với đó 2 sổ tiết kiệm trị giá 5,7 tỷ đồng của bà Hằng và chồng là giả.
Hội sở ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tại địa chỉ 41-45 Lê Duẩn (phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM)
OCB nói gì?
Theo OCB, bà Vũ Phương Thảo bị cơ quan điều tra Công an TP. HCM (PC 02) khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức" (bà Thảo là nhân viên cũ tại OCB).
Theo thông báo của PC 02, bà Vũ Phương Thảo lợi dụng mối quan hệ quen biết với các nạn nhân, dụ dỗ các nạn nhân chuyển tiền cho Thảo để đầu tư, gửi Ngân hàng với lãi suất cao và để tạo lòng tin đối với các cá nhân này, Thảo lập sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi giả (phôi sổ tiết kiệm giả, con dấu giả và ký giả chữ ký) để chuyển cho các cá nhân làm tin.
Khi phát hiện các hành vi lừa đảo của Thảo, OCB đã chủ động tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định và Cơ quan điều tra CA TP. HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Thảo với tội danh: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức". Được biết, trong quá trình điều tra làm rõ vụ việc, Cơ quan điều tra khi khám xét nhà của Thảo đã phát hiện rất nhiều hồ sơ giấy tờ giả (các phôi sổ tiết kiệm giả) và con dấu giả có liên quan đến OCB để làm phương tiện lừa đảo.
Sau khi bà Thảo bị Công an bắt để điều tra, OCB nhận được yêu cầu, khiếu nại của bà Huỳnh Tuyết Hằng (dì ruột của bà Thảo) - là nạn nhân bị lừa đảo đề nghị OCB tất toán sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi tại OCB. OCB đã tiến hành tra soát trên hệ thống và xác minh tính pháp lý của sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi do cá nhân này cung cấp, phát hiện toàn bộ sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi là giả mạo. Cụ thể, phôi sổ tiết kiệm được làm giả, chữ ký của đại diện hợp pháp của OCB không đúng, dấu đóng trên các sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi không đúng với con dấu của các đơn vị OCB.
Đồng thời OCB cũng thông tin đến các cá nhân này về việc làm giả hồ sơ, con dấu của tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Thảo và hiện nay bà Thảo đang bị cơ quan điều tra Công an TP HCM khởi tố trách nhiệm hình sự theo quy định. Bên cạnh đó, OCB luôn sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ và cung cấp đầy đủ các thông tin, văn bản, tài liệu liên quan để phục vụ cho công tác điều tra, nhằm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.
Về chức danh của bà Vũ Phương Thảo, OCB cho hay bà Thảo là cán bộ tại bộ phận xử lý giao dịch tín dụng, thuộc khối hỗ trợ. Bà Thảo không được giao bất kỳ nhiệm vụ, quyền hạn gì liên quan đến việc huy động vốn của Khách hàng tại OCB, do vậy việc giao dịch chuyển tiền qua lại giữa bà Hằng và Thảo là các giao dịch cá nhân với nhau.
Lỗ hổng cần vá
Với kinh nghiệm lâu năm công tác trong ngành ngân hàng tại Mỹ và Việt Nam, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng việc khách hàng liên tục tố mất tiền tại ngân hàng thời gian qua là lỗ hổng lớn.
"Ngân hàng không thể thoái thác trách nhiệm bằng việc nói rằng đây là giao dịch lừa đảo cá nhân và chúng tôi không biết gì, không liên quan", ông Hiếu nói.
Theo đó, mỗi ngân hàng đều phải có quy trình kiểm soát việc nhân viên làm gì, đặc biệt giao dịch được thực hiện ngay tại trụ sở ngân hàng. Còn nếu ngân hàng nói nằm ngoài sự kiểm soát của ngân hàng thì có nghĩa là ngân hàng không có quy trình đầy đủ để kiểm soát việc làm của nhân viên. Đó là trách nhiệm của ngân hàng.
"Một nhân viên ngân hàng giao dịch với khách hàng trong khuôn viên vật lý của ngân hàng, dưới sự giám sát nhân viên ngân hàng, Giám đốc chi nhánh với nguyên tắc "bốn mắt", không thể có chuyện chỉ có trách nhiệm của nhân viên thực hiện giao dịch với khách hàng. Ngân hàng phải thấy trách nhiệm của mình với khách hàng là đầu tiên chứ không phải đổ lỗi cho cá nhân nhân viên đó", ông Hiếu giải thích.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, sự việc này của OCB làm chúng ta liên tưởng tới vụ án "siêu lừa" Huyền Như tại Vietinbank. Vụ án Huyền Như đã tạo ra một án lệ khi quy trách nhiệm cho cá nhân Huyền Như và như vậy là bất hợp lý.
"Các ngân hàng thoái thác trách nhiệm với khách hàng có thể tránh thiệt hại cho ngân hàng mình nhưng sẽ làm tổn hại uy tín của cả ngành ngân hàng. Khách hàng sẽ đặt câu hỏi "nếu mình mất tiền thì ngân hàng sẽ ứng xử ra sao? Liệu ngân hàng có đổ trách nhiệm cho nhân viên giao dịch?", ông Hiếu đặt vấn đề.
Một vấn đề được lặp đi lặp lại trong vài năm trở lại đây và gây tranh cãi rất lớn là "tiền của khách hàng trong tài khoản ngân hàng "bỗng dưng" biến mất thì ai phải chịu trách nhiệm?". Tại kết luận một vài vụ việc gần đây đều quy trách nhiệm thuộc về cá nhân nhân viên, chuyển vụ án thành quan hệ dân sự giữa khách hàng và nhân viên ngân hàng, còn ngân hàng chủ quản không liên quan gây thất vọng và ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước với vai trò quản lý hệ thống ngân hàng, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, cần thể hiện vai trò quản lý qua việc thanh tra, giám sát lại quy trình, hoạt động của các ngân hàng, đặc biệt là với những ngân hàng để xảy ra những vụ án lừa đảo như nêu trên xem liệu quy trình có chuẩn mực không và đã làm đúng quy trình chưa?
"Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm giám sát, nhắc nhở các ngân hàng tuân thủ đúng quy định và có trách nhiệm với nhân viên. Ngân hàng Nhà nước cũng cần xem xét xem OCB làm việc có đúng quy trình? Nếu nói ngân hàng không liên quan gì tới vụ việc trên là rất bất hợp lý", ông Hiếu nhấn mạnh.