Dưa chín không chờ dịch tan
Tuần qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ nông sản gặp khó vì dịch bệnh. Tại Hà Nội, các điểm bán giải cứu thu hút sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo người dân. Nhiều cơ quan, tổ chức đã chung tay mua lượng lớn nông sản của bà con vùng dịch. Để phòng chống COVID-19, người mua được khuyến khích đặt từ xa và được giao tận nơi, tránh tập trung đông người.
Nông sản tập kết tại Hà Nội chủ yếu là dưa hấu, dưa lê, vải thiều (Bắc Giang). Tuy địa phương đã có phương án tiêu thụ, giải toả nông sản, nhưng theo UBND tỉnh Bắc Giang, việc xe chở nông sản lưu thông qua chốt kiểm soát của các tỉnh vẫn còn khó khăn; container khan hiếm, giá thành vận chuyển cao.
Trước đó, UBND huyện Yên Dũng (Bắc Giang) - nơi cách ly xã hội từ ngày 19/5, có công văn kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ dưa cho nông dân. Theo huyện Yên Dũng, huyện có 2.000 tấn dưa hấu, dưa lê đến kỳ thu hoạch, chỉ để trên ruộng được 15 ngày đang gặp khó khăn trong tiêu thụ.
Bà Nguyễn Thị Nhung, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sao Thần Nông (Bắc Giang), đơn vị được giao thu mua nông sản cho nông dân huyện Yên Dũng cho biết: “Khoảng 1-2 ngày tới, khi lứa dưa đã chín được tiêu thụ xong, thì không còn cảnh ùn ứ, dồn dập thu hoạch như hiện nay. Dưa khó bán, giá giảm mạnh vì không có người ăn, bếp ăn công nghiệp nghỉ, giao thương đình trệ, nhiều khu vực bị phong toả”.
Theo bà Nhung, từ ngày 30/5, giá dưa loại 1tại ruộng đã tăng lên 6.000 đồng/kg, 5.500 đồng/kg loại xô, đảm bảo bà con có chút lãi. Hiện, dưa chủ yếu giao tới các "mạnh thường quân " tại Hà Nội, giá giao tại nơi nhận là 7.000 đồng/kg. Lái xe vận chuyển đã được xét nghiệm COVID-19, đảm bảo phòng dịch, tuy nhiên HTX vẫn gặp khó vì thiếu phương tiện. HTX này đã thuê 5 xe tải để kịp hỗ trợ nông dân.
Ngoài nông sản Bắc Giang, trên chợ mạng, nông dân nhiều địa phương cũng đang tự đăng đàn tìm mạnh thường quân giải cứu ổi (Hoài Đức, Hà Nội), hành (Hải Dương), xoài (Bình Thuận), khoai lang (Vĩnh Long), tỏi (Lý Sơn) … Đăng bài "cầu cứu" trên mạng xã hội, anh Nguyễn Thỏa (nông dân Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, vùng ổi lê Đài Loan ở bãi Đắc Sở, Yên Sở (Hoài Đức, Hà Nội) đang vào mùa nhưng tắc đầu ra. Thương lái không về thu mua, nông dân cũng không thể bán rong ở Hà Nội vì dịch bệnh, lâm vào bế tắc. Trước đây, ổi bán 12.000 đồng/kg, nay nông dân mong có người mua 6.000 đồng/kg để thu hồi vốn.
Không muốn gọi mãi là giải cứu
Tất bật với việc giải cứu hàng chục tấn nông sản tuần qua, chị Thu Lương cùng các thành viên nhóm thiện nguyện (Lạc Nghiệp, Hà Nội) thường xuyên đón những chuyến hàng lúc nửa điểm. Nhận hàng về đêm tuy vất vả, nhưng các thành viên của nhóm đều đồng lòng, vì lúc đó xe tải lớn vào nội thành, tránh ảnh hưởng đến cộng đồng. Thông qua Hội chữ Thập Đỏ Việt Nam, nhóm đã kết nối, thu mua bí đao, dưa hấu, vải cho nông dân Bắc Giang.
Chị Thu Lương (trưởng nhóm thiện nguyện) khẳng định, chúng tôi không muốn gọi hoạt động này là giải cứu. “Trước đây, nhiều người cho biết, họ nghĩ mua giải cứu thì giá bán bèo bọt. Như vậy, chúng ta đã mua “mồ hôi, nước mắt” của người nông dân với giá rẻ mạt. Tôi mong cộng đồng thay đổi suy nghĩ, gọi đây là chiến dịch tìm lại nụ cười cho nông dân”, chị Lương nói.
Sau khi trả tiền nông sản cho bà con, nhóm thiện nguyện dành một phần (nếu có) ủng hộ tỉnh Bắc Giang chống dịch. Ngoài nhóm thiện nguyện Lạc Nghiệp, tuần qua, nhiều điểm hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại Hà Nội hoạt động tích cực, có nơi bán được gần 50 tấn vải thiều chỉ trong 4 ngày.
Thời gian qua, các siêu thị cũng vào cuộc, thu mua, tiêu thụ lượng lớn nông sản cho nông dân vùng dịch. Hệ thống siêu thị Big C và GO! (Tập đoàn Central Retail) dự kiến tiêu thụ khoảng 70 tấn trái cây và bí đỏ. Đặc biệt, vải đầu mùa đã có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị như Co.opMart, MM Mega Market, VinMart, …Về giá cả, so sánh, giá bán tại siêu thị vẫn nhỉnh hơn chút so với các địa điểm bên ngoài.