Ngày 22/3, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã chứng khoán EIB) công bố quyết nghị bầu bà Lương Thị Cẩm Tú vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), thay cho ông Lê Minh Quốc đã bị bãi nhiệm.
Tuy nhiên, trả lời VTC News liên quan đến nội dung trên, ông Lê Minh Quốc khẳng định mình vẫn là Chủ tịch HĐQT hợp pháp của Eximbank .
Ông Quốc nói: “Tôi khẳng định phiên họp ngày 22/3 của nhóm thành viên Hội đồng quản trị Eximbank không có giá trị pháp lý, những nghị quyết của nhóm thành viên HĐQT Eximbank ban hành tại phiên họp này không có hiệu lực pháp luật”.
“Hành động này là trái với điều lệ Eximbank, đã gây bất ổn trong HĐQT Eximbank và gây băn khoăn lo ngại cho các cổ đông, khách hàng và tạo sự hoang mang cho hơn 6.000 người lao động tại Eximbank”, ông Quốc nói thêm.
Theo ông Quốc, ngày 11/3, ông đã có đơn xin cứu xét, phản ánh tình hình bất ổn trong thành viên HĐQT Eximbank và các sai phạm của một nhóm thành viên HĐQT gửi Ngân hàng Nhà nước xin can thiệp “khẩn cấp và triệt để nhằm bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, giúp ổn định hoạt động của Eximbank nói riêng và đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia nói chung”.
Ông Lê Minh Quốc khẳng định mình là Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp pháp của Eximbank.
Đến ngày 19/3, ông Quốc nhận được email từ Văn phòng Hội đồng quản trị gửi tài liệu kèm thư triệu tập phiên họp hội đồng quản trị ngày 22/3 (thư triệu tập đề ngày 15/3 và do 5 thành viên HĐQT ký).
Cùng ngày, ông Quốc nhận được văn bản của Chánh thanh tra, giám sát ngân hàng đã yêu cầu Chủ tịch HĐQT, Hội đồng quản trị Eximbank gửi toàn bộ hồ sơ tài liệu (liên quan nội dung đơn cứu xét) về cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng để được xem xét và giải quyết.
“Ngày 20/3, tôi đã có văn bản yêu cầu không thực hiện cuộc họp HĐQT vào ngày 22/3 do nhóm 5 thành viên HĐQT triệu tập. Nhưng ngày 22/3, nhóm 5 thành viên HĐQT vẫn tổ chức cuộc họp để bầu bà Lương Thị Cẩm Tú thay thế tôi làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank”, ông Quốc nói.
Vẫn theo ông Quốc, từ năm 2016 đến nay, mặc dù có những khó khăn, nhưng Eximbank vẫn hoạt động đạt được kết quả và tăng trưởng nhất định. Đặc biệt, trong công tác quản trị ngân hàng, HĐQT Eximbank đã giữ được sự ổn định và phát triển qua rất nhiều biến cố.
Tuy nhiên, từ năm 2015 thị trường xuất hiện tin đồn rằng Eximbank sẽ sáp nhập với Ngân hàng Nam Á và giữa các nhóm cổ đông của Eximbank có sự mâu thuẫn.
“Từ tháng 4/2018, khi bà Lương Thị Cẩm Tú trở thành thành viên HĐQT Eximbank thì công tác điều hành hoạt động của HĐQT gặp nhiều trở ngại, do một nhóm thành viên Hội đồng quản trị luôn gây khó khăn cho tôi trong công tác điều hành. Ví dụ như khi Chủ tịch HĐQT phân công công tác thì nhóm này luôn nêu ra những ý kiến bất đồng, tạo nên những tình huống bất ổn trong Hội đồng quản trị Eximbank” ông Quốc nói.
Bà Lương Thị Cẩm Tú, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank), được bầu vào Hội đồng quản trị Eximbank nhiệm kỳ 2015 - 2020 tại phiên họp thường niên đầu năm 2018.
Ngay khi trở thành thành viên Hội đồng quản trị Eximbank, bà Tú đã đăng ký mua cổ phần EIB và hiện nắm giữ hơn 13,8 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 1,12%).
Theo báo cáo quản trị của Eximbank, cuối năm 2018, ngân hàng này đến có 10 thành viên HĐQT, trong đó ông Lê Minh Quốc - được bầu vào HĐQT từ tháng 12/2015 - là thành viên độc lập kiêm Chủ tịch ngân hàng.
Ban điều hành do ông Lê Văn Quyết giữ chức tổng giám đốc và 9 phó tổng giám đốc, trong đó riêng năm 2018 có hai nhân sự mới là ông Nguyễn Cảnh Vinh và ông Nguyễn Hướng Minh, hai nhân sự này trước đó cùng làm việc tại SeABank.
,