GS. Lã Ngọc Khuê nhận xét những chuyển biến tích cực của Đường sắt Việt Nam sau khi thượng tầng của đơn vị này thay đổi. "Đổi người, tư duy thay đổi nên trong bối cảnh khó khăn, đường sắt vẫn thoát lỗ ngoạn mục. Biểu hiện cho thấy, tư duy lãnh đạo quan trọng như thế nào", nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhận định.
GS. Lã Ngọc Khuê bổ sung thêm thực tế, cũng ngần ấy tài sản, cũng ngần ấy con người, cơ chế chính sách ấy, nhưng nhiều năm trước ngành đường sắt không làm được?. Hai năm gần đây đường sắt lại làm được, có nhiều thay đổi tích cực.
"Những gì đường sắt đang làm được gần đây phần nào cho thấy giá trị của những người đứng đầu rất quan trọng với một doanh nghiệp.
Cách làm mới, tư duy mới được phát huy. Hiệu quả của doanh nghiệp được ghi nhận từ việc cơ cấu lại nguồn vốn, quản trị, cơ chế, chiến lược,... bằng chính nội lực vốn có, để thay đổi lại mình", GS. Lã Ngọc Khuê nhận xét.
GS. Lã Ngọc Khuê cho biết, trong những thập kỷ qua, đường sắt chưa được quan tâm đầu tư nhiều khiến cho hạ tầng và phương tiện xuống cấp. Trong khi đó, những loại hình vận tải khác lại được đầu tư phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là đường bộ được đầu tư hiện đại khiến cho thị phần của đường sắt dần bị mất đi.
Khi ngành đường sắt không có thị phần, không có hàng hoá vận chuyển sẽ không có được doanh thu, lợi nhuận. Những năm qua, đường sắt rất khó khăn, thị phần chỉ trên dưới 1%, không đáng kể so với nền kinh tế.
"Có những năm, đường sắt thua lỗ đến mức đã phải giảm lương của cán bộ, nhân viên", GS. Lã Ngọc Khuê thông tin.
Tư duy mới là rất "cần", nhưng chưa "đủ"
Theo GS. Lã Ngọc Khuê, sau khi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiện toàn được các vị trí lãnh đạo, nhất là vị trí Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc và các vị trí lãnh đạo khác, tập thể đã đoàn kết, hăng hái thay đổi tư duy quản trị.
Đường sắt đã nỗ lực rất lớn để "tự cởi trói mình" với tinh thần làm việc hết sức quyết liệt, giúp họ sớm có được những thay đổi tích cực.
Thế nhưng, con người mới, tư duy mới là rất "cần" nhưng chưa "đủ". Để đường sắt có những bước phát triển thực sự bền vững, đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế, theo ông Khuê cần phải sớm tháo gỡ các nút thắt tồn tại lâu nay của ngành.
Nói rõ hơn, GS. Lã Ngọc Khuê chia sẻ, từ năm 1985 đến nay, gần như đường sắt không đầu tư thêm được km nào, hạ tầng ngày càng xuống cấp. Trong khi đó, cơ chế chính sách có nhiều ràng buộc không tạo ra được sự thuận lợi cho đường sắt phát triển.
Ông rất trăn trở khi "người ta coi đường sắt giống như đường bộ, tách biệt hạ tầng đường sắt ra khỏi doanh nghiệp". Khi đó, Tổng công ty Đường sắt chỉ được quyền khai thác đầu máy, toa xe kinh doanh trên hạ tầng của Nhà nước mà không được làm chủ hạ tầng. Với đường bộ, Nhà nước phát triển hạ tầng, để người dân và doanh nghiệp kinh doanh vận tải mà không cần phải quan tâm đến hạ tầng đường xấu hay tốt.
Thực tế, đường sắt khác hoàn toàn với đường bộ, Tổng công ty Đường sắt là một mô hình khép kín, đầu máy toa xe phải được gắn liền với hạ tầng từ đường ray, nhà ga... thành một thể thống nhất và cần phải được trao quyền tự quyết, chủ động trong việc nâng cấp hạ tầng khi phát hiện thấy xuống cấp.
GS. Lã Ngọc Khuê cho rằng, việc hạ tầng tách rời riêng biệt để Nhà nước quản lý của đường sắt là bất cập. Bất cập ở chỗ, khi hạ tầng xuống cấp, đơn vị này phải làm báo cáo đề xuất Cơ quan quản lý nâng cấp sửa chữa và thời gian chờ đợi rất lâu, hoặc bị từ chối nâng cấp. Rõ ràng, đường sắt đang bị "trói buộc" và cần được tháo gỡ về cơ chế chính sách.
Cùng với đó, đường sắt cần phải có được đầu tư khẩn cấp với những hạng mục cấp thiết như các hầm đường sắt, cầu đường sắt,... để duy trì hạ tầng đường sắt hiện có.
Một việc cần làm khác, theo ông Khuê đó là, đường sắt cần phải được đầu tư phát triển lâu dài, nâng cấp hạ tầng, đầu tư xây dựng các tuyến mới hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, bắt kịp với xu hướng phát triển của nền kinh tế xã hội và thế giới.
(Còn nữa)