Một nghiên cứu gần đây của Savvy Sleeper về tình trạng quá tải khi làm việc tại 69 thành phố từ 53 quốc gia cho thấy, người lao động tại các thành phố ở châu Á và Mỹ có khả năng cao bị rơi vào tình trạng quá tải. Trong khi đó các thành phố ở châu Âu có tỷ lệ thấp hơn, ngoại trừ London và Istanbul.
Các thành phố châu Á chiếm top đầu trong danh sách này, với Tokyo ở vị trí dẫn đầu. Cũng không phải là điều bất ngờ khi Nhật Bản thường được biết đến là nơi người lao động thường phải làm việc quá sức. Đến nỗi các nhân viên coi việc làm thêm 99 giờ mỗi tháng là điều bình thường để cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Tất nhiên ngoài tổn hại về mặt sức khỏe vốn dễ nhận thấy, vấn đề này cũng sẽ gây tổn hại về mặt kinh tế. Chẳng hạn, ở Mỹ, sự quá tải khi làm việc được ước tính sẽ tiêu tốn từ 125 đến 190 tỷ USD mỗi năm cho chi phí chăm sóc sức khỏe, theo dữ liệu từ nghiên cứu mới nhất của Trường Kinh doanh Harvard. Nghiên cứu cũng chỉ ra các vấn đề liên quan đến stress chiếm khoảng 8% chi tiêu quốc gia cho chăm sóc sức khỏe.
Thêm nữa, quá tải cũng ảnh hưởng đáng kể tới hiệu suất làm việc, với con số dao động từ 20 đến 50% chất lượng công việc bị ảnh hưởng trong một tổ chức.
Trong số 5 thành phố ASEAN được đánh giá, thủ đô Manila của Philippines xếp hạng cao nhất về mức độ kiệt sức của người lao động và xếp thứ 5 trong tổng danh sách. Tiếp đó là thủ đô Jakarta của Indonesia, với nguyên nhân chính do lượng nhân vân phải làm việc nhiều hơn 48 giờ mỗi tuần. Cùng với đó là rất ít thời gian nghỉ phép, với 14 ngày trở xuống, và phải chịu đựng tình trạng kẹt xe thường xuyên.
Thủ đô Hà Nội xếp thứ 7 trong danh sách với các vấn đề về stress và làm thêm giờ của nhân viên. Malaysia thì xếp thứ 13 trong danh sách với phần lớn người lao động có ít hơn 7 giờ ngủ mỗi ngày.
Thủ đô Bangkok của Thái Lan là thành phố có xếp hạng tốt nhất ở ASEAN với thứ hạng 24 trong danh sách. Tuy nhiên, thành phố này vẫn bị đánh giá thấp về thời gian nghỉ hè, thời gian tham gia giao thông và thời gian nghỉ ngơi. Ở các mục khác thì Bangkok lại có điểm số khá cao, với mức độ stress, động lực làm việc, giờ làm việc hàng năm, sức khỏe tâm thần đều tốt hơn mức trung bình.
Mặc dù không có nhiều nghiên cứu được thực hiện ở Đông Nam Á về chi phí kinh tế cho vấn đề quá tải khi làm việc của nhân viên, dữ liệu thu thập được ở Singapore, Mỹ và Nhật Bản có thể minh họa được mức độ thiệt hại mà các thành phố khác đang phải gánh chịu từ vấn đề này.
Với 3 thành phố ASEAN thuộc top 10 các thành phố có mức độ quá tải cao nhất, đây là một hồi chuông cảnh tỉnh phải xem xét đánh giá lại môi trường làm việc cũng như sự hài lòng của nhân viên. Điều quan trọng là để duy trì lợi thế cạnh tranh, các công ty nên thực hiện các biện pháp để giảm thiểu sự căng thẳng khi làm việc cho nhân viên, tránh việc giảm hiệu suất để cải thiện hiệu quả kinh doanh.
ASEAN cũng còn nhiều việc phải làm trong việc xây dựng các chính sách đối phó với vấn đề này. Tuy nhiên, hầu hết các công ty đã có được nguồn lực cần thiết để cải thiện năng suất và giữ chân nhân viên giỏi bằng cách cung cấp cho họ những hỗ trợ cần thiết, tránh căng thẳng khi làm việc.