Cụ thể, tốc độ tiếp cận điện khí hóa khu vực nông thôn tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, các quốc gia cũng đã mở rộng quy mô cung cấp hệ thống lưới điện, huy động thành công các nguồn tài nguyên trong nước, từng bước áp dụng công nghệ mới và năng lượng tái tạo.
Đáng chú ý, các quốc gia thành viên ASEAN cũng đang bắt đầu tăng quy mô nhập khẩu điện nhằm thúc đẩy thị trường thương mại đa phương trong tương lai.
Tuy nhiên, thị trường năng lượng của ASEAN phụ thuộc lớn vào các chính sách và các hoạt động đầu tư của mỗi quốc gia. Ông Han Phoumin cũng đáng giá cao tiềm năng về sự phát triển của hệ thống năng lượng tái tạo trong khu vực.
Đại dịch Covid-19 đã tác động đáng kể đến nền kinh tế của mỗi quốc gia. Ước tính nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm 4,9% và năm nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á (Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan) sẽ suy giảm 1,3% trong năm 2020.
Đồng thời, ước tính nhu cầu năng lượng toàn cầu trong năm 2020 sẽ giảm 6% so với năm ngoái. Tuy nhiên, nhu cầu năng lượng ở các quốc gia có thời gian dài đóng cửa nền kinh tế có thể giảm tới 18-25% trong năm nay. Nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ giảm 8 triệu thùng/ ngày trong năm 2020.
Nhờ đó, lượng khí thải CO2 toàn cầu trong năm 2020 dự kiến sẽ giảm 8% so với năm ngoái.
Ước tính đại dịch đã khiến 3,2 triệu trên tổng số 40 triệu lao động trong lĩnh vực năng lượng đã bị mất việc làm.
Trong giai đoạn khủng hoảng do đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia thành viên ASEAN đã phải đối mặt với thách thức về nợ công ngày càng tăng hoặc ngân sách nhà nước cạn kiệt do phải chi tiêu nhiều hơn để bảo vệ sức khỏe người dân cũng như đưa ra các gói kích thích nền kinh tế.
Cơ hội cho những cải cách ngành năng lượng
Các chuyên gia dự báo rằng, giai đoạn hậu Covid-19 sẽ khiến nhu cầu về năng lượng cũng như khí thải sẽ tăng trở lại mạnh mẽ.
Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả các nước thành viên ASEAN đang phải đối mặt với những thách thức lớn liên quan đến vấn đề năng lượng. Quá trình chuyển đổi năng lượng đòi hỏi chính phủ các nước phải đưa ra các chính sách hợp lý cũng như xem xét các vấn đề liên quan đến chi phí. Từ đó mới có thể đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững.
Với tỷ lệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch cao (80% thị phần dầu, than và khí tự nhiên) trong lĩnh vực năng lượng của ASEAN như hiện nay, các quốc gia trong khu vực cần xem xét triển khai sử dụng năng lượng sạch trong giai đoạn hậu Covid-19.
Đại diện ERIA cho rằng các quốc gia trong khu vực cần đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo cùng với việc áp dụng các công nghệ sạch trong trung và dài hạn. Mặc dù là nguồn năng lượng dồi dào nhất trong ASEAN, điện gió và mặt trời vẫn chỉ đóng góp 2,4% tổng sản lượng điện trong khu vực năm 2020.
Do vậy, cần có sự cải cách trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là thị trường điện. Các quốc gia cần khuyến khích cạnh tranh cởi mở hơn trên tất cả các lĩnh vực của thị trường như sản xuất, truyền tải và phân phối điện.
Tương lai ngành điện trên thị trường
Trong tương lai, các quốc gia sẽ cần cải cách các quy tắc và thủ tục nhằm cho phép công nghệ tiên tiến và cạnh tranh hơn tham gia vào thị trường. Lý do bởi các quy tắc và thủ tục hiện nay vẫn đang ưu tiên cho nhiên liệu truyền thống.
Ông Han Phoumin nhấn mạnh, thị trường điện trong tương lai sẽ cần chuyển từ mô hình độc quyền mua sang thị trường cạnh tranh. Từ đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường bán buôn cũng như bán lẻ, đồng thời khuyến khích nhiều người tham gia vào thị trường hơn.
Hơn nữa, cải cách các quy tắc cũng sẽ thu hút đầu tư nước ngoài, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng điện, loại bỏ dần các công nghệ phát điện kém hiệu quả trong khu vực.
Nguồn: International Renewable Energy Agency
Trong khi đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều dự án cơ sở hạ tầng liên quan đến năng lượng bị trì hoãn, các quốc gia thành viên ASEAN cần phải xem xét lại những chính sách về năng lượng. Như vậy mới có thể đảm bảo vào giai đoạn hậu Covid-19 sẽ thu hút đầu tư lâu dài và bền vững cho công nghệ năng lượng sạch, nguồn nhiên liệu sạch như hydro xanh và năng lượng tái tạo.
Cụ thể, cần tách quyền sở hữu trên thị trường điện, quyền tiếp cận đối với mạng lưới truyền tải và phân phối, loại bỏ dần các khoản trợ cấp trong sản xuất điện dựa trên nhiên liệu hóa thạch. Từ đó có thể tạo sân chơi bình đẳng với công nghệ mới và năng lượng tái tạo tham gia vào thị trường.
Một số chính sách cần thiết khác nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào năng lượng tái tạo và công nghệ sạch mà ông Han Phoumin đưa ra bao gồm: khuyến khích miễn thuế, giảm rào cản thị trường và gánh nặng quy định, các chính sách giảm chi phí đầu tư trả trước.