LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Nguyễn Cảnh Công ở Đà Nẵng gửi tới cuộc thi viết về Chất lượng dịch vụ ngân hàng: Từ thực tiễn đến ước mong do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.
--------------
Xã hội ngày càng phát triển và chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao cùng với đó sự sự đóng góp vô cùng lớn của hệ thống ngân hàng theo bề dày lịch sử.
Ngày nay ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế, lượng giao dịch qua ngân hàng cũng ngày càng lớn hơn. Ngân hàng trở thành trung gian cho vô vàn hợp đồng kinh doanh thương mại từ mua bán nông sản đến kinh doanh đến bất động sản hay tất cả các giao dịch liên quan đến tiền.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước thì hiện nay cả nước có hơn 130 triệu tài khoản ATM. Số lượng chi nhánh ngân hàng ngày càng nhiều, phát triển lên tận các vùng núi vùng sâu vùng xa đáp ứng mọi nhu cầu giao dịch của khách hàng. Cùng với đó là các dịch vụ như Internet banking giúp mọi giao dịch trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn bao giờ hết, cho phép người dùng có thể thực hiện các giao dịch ngay tại nhà.
Ngân hàng ngày càng đa dạng hóa các dịch vụ và đối tượng phục vụ ngày càng lớn hơn. Ứng dụng công nghệ thông tin phổ biến, mở rộng nhanh các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán qua ngân hàng. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, cho vay, cung ứng các dịch vụ và tiện ích ngân hàng thuận lợi và thông thoáng đến mọi doanh nghiệp và người dân, đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh và đời sống, chú trọng khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Qua đó, chúng ta có thể cảm nhận được vai trò to lớn mà hệ thống ngân hàng đã mang lại. Tuy nhiên song song với những đóng góp to lớn đấy vẫn còn rất nhiều tồn tại.
Thứ nhất là số lượng thẻ ATM đang được mở tràn lan. Nhớ ngày còn học Đại học, ở trong kí túc xá, tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp là các anh chị nhân viên ngân hàng đến xin thông tin cá nhân, chụp ảnh chứng minh nhân dân và nhờ điền thông tin vào tờ đăng kí mở tài khoản ngân hàng với lí do "anh/chị là nhân viên mới phải chạy doanh số thẻ". Vậy thì những cái thẻ được đăng kí mở đó sẽ về tay ai? Chi phí thật, thẻ thật mà người dùng thì "ảo".
XEM THÊM TẤT CẢ CÁC BÀI DỰ THI của cuộc thi viết "Chất lượng dịch vụ ngân hàng: Từ thực tiễn tới ước mong" tại đây
Thứ hai là số tiền dư tối thiểu trong thẻ ATM. Có một số ngân hàng luôn bắt buộc số dư tối thiểu là 50.000 đồng/thẻ; với 100 triệu tài khoản con số sẽ lên tới 5 nghìn tỷ đồng. Vậy số tiền đó ngân hàng sẽ xử lí như thế nào?
Thứ ba là hệ thống bảo mật, an ninh của các nhà băng chưa thật sự được tốt khi hàng ngày hàng giờ vẫn có những trường hợp mất tiền xả ra, các vụ cướp ngân hàng vẫn còn tồn tại. Để tiền ở nhà thì lo mà đem đến ngân hàng cũng chưa thật sự an tâm khi mà ngày đêm các vụ trừ tiền trong tài khoản mặc dù chủ thẻ không giao dịch vẫn xảy ra.
Thứ tư, ở Việt Nam, việc thanh toán bằng tiền mặt là phương thức thanh toán đơn giản và tiện dụng nhất được sử dụng một cách phổ biến để mua bán hàng hóa một cách dễ dàng. Nhưng khi nền kinh tế phát triển mạnh mẽ như ngày nay thì việc thanh toán bằng tiền mặt không thể đáp ứng được nhu cầu thanh toán của toàn bộ nền kinh tế. Việc ứng dụng một hình thức thanh toán mới thuận tiện hơn, an toàn hơn là điều mà bất cứ quốc gia nào cũng quan tâm.
Thanh toán không dùng tiền mặt đã đem lại những lợi ích to lớn cho toàn bộ nền kinh tế, cho các tổ chức doanh nghiệp cũng như cá nhân người sử dụng. Tuy nhiên cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của xã hội, số lượng ngân hàng và hệ thống ATM chưa đáp ứng đủ, đặc biệt ở vùng nông thôn, gây không ít khó khăn cho khách hàng.
Trong khi ở các nước, giao dịch không tiền mặt đã diễn ra khắp mọi đường phố và cả những khu vực nông thôn thì ở Việt Nam khi được hỏi về loại hình giao dịch này rất ít người biết.
Thứ năm là chất lượng phục vụ, sự thật phũ phàng mà tôi có thể nói là chất lượng vẫn còn chưa tốt. Thật sự ai trong chúng ta khi sử dụng một dịch vụ nào đó cũng đều mong mỏi rất nhiều. Vốn dĩ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng bao gồm rất nhiều đối tượng và nhiều tầng lớp khác nhau vì vậy không phải ai cũng có thể hiểu và làm đúng được các thao tác vay và gửi do ngân hàng đưa ra. Họ cần được sự hướng dẫn của nhân viên ngân hàng nhưng thực tế rất nhiều nhân viên không thực sự hiểu và cảm thông điều đó.
Đâu đó vẫn còn những nhân viên ngân hàng tỏ thái độ phân biệt giữa các tầng lớp khách hàng. Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều trường hợp trường hợp là các bác nông dân đi gửi tiền vào tài khoản cho con là sinh viên đi học đại học xa nhà, số tiền giao dịch nhỏ nhưng lại phải chờ rất lâu, đến khi số lượng khách hàng đến giao dịch ít đi mới tới lượt của họ dù họ đến trước. Một số nơi, nhân viên ngân hàng vẫn còn ưu tiên khách hàng gửi tiền hơn là rút tiền, các giao dịch gửi tiền thường được xử lí trước rồi mới tiến đến giao dịch rút tiền mặc dù những người rút tiền đó tới trước.
Qua những ưu điểm và tồn tại trên tôi xin đưa ra một số giải pháp. Trước hết, phải siết chặt quản lí về việc mở thẻ ngân hàng và kiểm soát số lượng thẻ trên mỗi cá nhân tránh trường hợp chỉ một người mà sở hữu quá nhiều thẻ nhưng không dùng.
Bên cạnh đó, cần tăng cường an ninh và bảo mật cho hệ thống nhà băng bằng cách đào tạo và huấn luyện đội ngũ nhân viên để họ biết cách xử lí trong cách trường hợp xấu nhất xảy ra, cần có hệ thống camera giám sát mà người quan sát không phải là nhân viên hay bảo vệ mà là các cơ quan công an trên địa bàn, nâng cao hình thức xử lí đối với các hình thức vi phạm.
Song song với đó là nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ nhân viên để cho khách hàng của họ luôn luôn vui vẻ và thoải mái trước lúc rời khỏi ngân hàng. Nếu làm được tốt những điều đó tôi tin rằng ngân hàng sẽ là đối tác tin cậy và an toàn là niềm tin niềm tự hào cho mỗi khách hàng khi ai đó có hỏi về dịch vụ ngân hàng mà họ đang sử dụng.